Thừa Thiên Huế phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022
- Dược liệu
- 13:53 - 01/06/2022
Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ về vật chất và tinh thần, cải thiện môi trường sống cho trẻ em, tạo điều kiện và cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục và tử vong do tai nạn thương tích.
Tháng hành động vì trẻ em tại Thừa Thiên Huế sẽ được triển khai từ ngày 1/6/2022 đến ngày 30/6/2022.
Trong Tháng hành động, bên cạnh các hoạt động tác tuyên truyền sẽ còn diễn ra nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em như tổ chức một số diễn đàn, chương trình tọa đàm… để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng; lấy ý kiến tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em, phát huy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình. Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tưởi, mức độ trưởng thành và phát triển trẻ em. Triển khai các hoạt động tặng quà, học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt học giỏi; Giáo dục cho trẻ em các kỹ năng tự phòng tránh như: tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại tình dục, bạo hành, buôn bán, bắt cóc trẻ em...
Ngoài ra, còn triển khai các hoạt động kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh; Chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi ngã.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong đường lối, chính sách và trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của các cấp, các ngành theo hướng tiếp cận dựa trên kết quả và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em theo hướng tiếp cận dựa trên kết quả và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em.
Mọi trẻ em đều được quan tâm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, được tạo điều kiện trong hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Đặc biệt, việc chăm sóc, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được xã hội hóa sâu rộng. Hàng ngàn trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được hỗ trợ, giúp đỡ thông qua việc xây nhà ở, tặng quà, cấp học bổng, cấp xe lăn, xe đạp, tổ chức phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may bị khuyết tật các loại,…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, như: tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, nhất là đuối nước vẫn còn diễn ra; không ít trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau còn phải bỏ học. Cơ sở vật chất, thiết bị, bể bơi, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, các hình thức vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, chưa phù hợp với trẻ em. Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em nghèo, trẻ em ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn thấp. Huy động nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em nói chung và các hoạt động trong Tháng hành động năm 2022 nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần chủ động tăng cường việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là gia đình, nhà trường và trẻ em về chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước và các chương trình vì trẻ em. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bố trí kinh phí và huy động nguồn lực xã hội để tập trung xây dựng các công trình như bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em; chỉ đạo duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn cho trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động cải tạo môi trường, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quyền trẻ em, các nội dung hoạt động Tháng hành động vì trẻ em.
Dịp này, BTC cũng đã trao tặng các phần quà, suất học bổng, quà ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 cho một số trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.