Thừa Thiên Huế phát động Tháng hành động vì Bình đẳng giới 2018
- Dược liệu
- 20:55 - 07/11/2018
Diễu hành trong lễ phát động Tháng hành động vì Bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018
Tháng hành động vì Bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 có chủ đề: “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cùng với cả nước, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ từ cấp tỉnh đến huyện, xã/phường/thị trấn. Các hoạt động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về vai trò của phụ nữ. Phụ nữ Thừa Thiên Huế được tạo điều kiện giới thiệu tham gia học tập, nghiên cứu, ngày càng khẳng định được vai trò quản lý, lãnh đạo.
Theo số liệu báo cáo, hiện nay tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức tại Thừa Thiên Huế chiếm 58%, tương đương 18.520 người/ tổng số 31.889 cán bộ, viên chức toàn tỉnh.
Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 267 vụ bạo lực gia đình, giảm 112 vụ so với năm 2016. Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện và được tư vấn pháp lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đạt trên 81%; tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện và được tư vấn đạt trên 70%.
Để tháng hành động về bình đẳng giới đạt được kết quả cao, ông Dung yêu cầu các các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; tổ chức thực hiện tốt các phong trào về văn hóa, nếp sống văn minh; phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, đồng thời ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp, người có hành vi bạo lực gia đình,…
Theo Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế, trong Tháng có nhiều hoạt động, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với đa dạng hình thức, huy động nguồn lực triển khai Tháng hành động, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Tổ chức các hoạt động như: diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn.
Ngoài ra, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại một số địa phương nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm, hướng dẫn, hỗ trợ; đồng thời tuyên dương tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.