Chỉ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế: Xóa đói giảm nghèo cần các giải pháp cụ thể, thiết thực
- Dược liệu
- 20:58 - 17/10/2017
Đại diện các sở, ban, ngành và 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% giai đoạn 2016 - 2020 ký kết bản nghi nhớ
Theo đó, hiện nay A Lưới vẫn là huyện có số xã chiếm tỷ lệ hộ nghèo trên 25% cao nhất tỉnh với 17 xã, trong đó có 6 xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% (Hồng Kim: 255 hộ, 50,40%; Hồng Thái: 190 hộ, 65,52%; Hồng Nguyên: 180 hộ, 58,06%; Hồng Trung: 334 hộ, 63,02%, Hồng Vân: 441 hộ, 56,47%; Hương Nguyên: 180 hộ, 58,06%; Nhâm: 278 hộ, 52,95%). Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2020, huyện A Lưới đã triển khai quyết liệt công tác này, trong đó có chương trình, kế hoạch, chính sách giảm nghèo chung, các chương trình, chính sách giảm nghèo đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo; tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hôi cơ bản và nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo.
Chương trình giảm nghèo cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia 2010 – 2015 được triển khai thực hiện hiệu quả. Tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình là 511.526 triệu đồng. Chương trình đã có tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống tinh thần vật chất của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 27,6% năm 2010 xuống còn 11,28% cuối năm 2015. Tỷ lệ hộ cận nghèo từ 13,96% năm 2010 giảm xuống còn 10,66% cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo cũ).
Mô hình hỗ trợ bò nuôi nhốt chuồng cho các gia đình đình chính sách, hộ nghèo tại huyện A Lưới
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Số hộ đã thoát nghèo nhưng có mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn. Hàng năm vẫn có các hộ tái nghèo. Đời sống của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều cơ cực, thiếu thốn. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn mới) áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, đầu năm 2016, toàn huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,04%; có 412 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,33%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đầu giai đoạn 2016 – 2020 của địa phương là 38,375. Trong tổng số hộ nghèo toàn huyện, số hộ dân tộc có 4.182 hộ, chiếm 96,43%. Đây là số hộ không chỉ có mức thu nhập thấp mà còn thiếu hụt nhiều chỉ số về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, như: giáo dục, nhà ở, y tế, nước sạch sinh hoạt, nhà vệ sinh,…
Để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống trong thời gian tới, ông Hùng khẳng định, UBND huyện A Lưới đã xây dựng “Đề án giảm nghèo bền vững huyện A Lưới giai đoạn 2016 – 2020”. Chỉ tiêu của Đề án là giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/ năm, phấn đấu đến cuối năm 2020 còn lại dưới 15%; giảm tổng số xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% từ 17 xã xuống còn 5 xã.
Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị
Về mục tiêu chung trong kế hoạch phân công giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh cho biết đó là: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 8,36% theo kết quả điều tra cuối năm 2015 xuống còn dưới 4% vào cuối năm 2020. Giảm các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% từ 19 xã (cuối năm 2015) xuống còn 7 xã vào cuối năm 2020.
Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, theo ông Tuấn là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nói trên.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tổng kết Hội nghị.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, xóa đói giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, được toàn bộ hệ thống chính trị, người dân quan tâm. Tuy nhiên, để chương trình đạt được kết quả tốt, người dân thật sự thoát nghèo thì cần có sự chung tay vào cuộc toàn bộ xã hội và đặc biệt không được thự hiện một cách hình thức.
“Từ trước đến nay, chúng ta vẫn còn nặng về hỗ trợ vật chất: cho họ con bò, hỗ trợ họ lương thực, thực phẩm,…nhưng vẫn chưa thực sự giúp cho bà con thoát nghèo một cách bền vững. Ngày trước khi còn làm Giám đốc Sở, khi được phân công giúp đỡ xã nghèo, tôi cũng đã lên một xã ở huyện Nam Đông để hỗ trợ bò giống cho người dân, nhưng hôm sau lên lại thì không còn nữa. Hiện nay chúng ta đã có Đề án nhằm thay đổi tập quán sinh hoạt chi tiêu cho đồng bào dân tộc thiểu số và giao cho Ban dân tộc tỉnh triển khai thực hiện. Cần phải giúp họ thay đổi, chứ không thể hôm nay chúng ta giao cho họ ba con bò giống, hôm sau có việc họ làm thịt mất một con, rồi dần dần không còn con nào nữa thì nguy cơ tái nghèo là rất cao. Muốn xóa nghèo, giảm nghèo bền vững thì việc hỗ trợ, giúp đỡ để người dân tăng cường sản xuất, tăng thu nhập vẫn là chủ yếu và là yếu tố quan trọng”, ông Cao nhấn mạnh.
Về cách thức, phương thức thực hiện, ông Cao yêu cầu: “Không hình thức, chương trình không đao to búa lớn, đừng chuẩn bị tài liệu bài bản, dày cộp rồi để đó. Điều cần thiết nhất chính là các các giải pháp cụ thể, đi vào thực tế, chứ đừng sáo rỗng. Địa phương nào cần cái gì, thiếu cái gì để phát triển thì có giải pháp để hỗ trợ cái đó. Mặt khác, những ai ỷ nại thì thôi, phải ưu tiên những người tích cực trước”. Ông Cao còn cho rằng, dù tỉnh đã phân công các Sở, ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ các xã nghèo nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương không được ỷ lại mà phải chỉ đạo các xã thực hiện; phải đi tìm giải pháp và phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành thì mới đạt được kết quả tốt.