THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:57

Thừa Thiên - Huế: Nhiều vấn đề dân sinh được cảnh báo qua điện thoại di động

Ứng dụng Hue-S (Dịch vụ đô thị thông minh) trên điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS

Cụ thể, thông qua ứng dụng Hue-S (Dịch vụ đô thị thông minh), cơ quan nhà nước sẽ chuyển tải đến cho người dân những thông tin có tính chất cảnh báo nhằm hỗ trợ người dân sớm nhận diện và phòng tránh như: tình trạng giao thông; tình hình cung ứng điện, nước; các hình thức lừa đảo; tình hình thời tiết nguy hiểm…

Ứng dụng Hue-S triển khai trên điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS và Android sẽ được cung cấp miễn phí. Cá nhân, tổ chức tải ứng dụng Hue-S để sử dụng và nhận thông báo. Đối với cá nhân, tổ chức đã cài đặt Hue-S cần lưu ý cập nhật phiên bản.

Lộ trình triển khai chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cảnh báo một chiều cho người dân biết và bắt đầu triển khai từ ngày 5/6 tới đây. Giai đoạn 2: Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin cảnh báo tức thời đối với những sự kiện đang diễn ra trên thực tế. Giai đoạn 3: Hoàn thiện cộng đồng tương tác cảnh báo hướng đến nhà nước và người dân cùng tham gia toàn diện vào hoạt động cảnh báo.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế

 Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương đã triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp hướng đến xây dựng đô thị thông minh đang được nâng cấp chức năng tương tác theo hướng tiêu chí thông minh.

Đáng chú ý, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã liên thông được 4 cấp, trong đó có 3 cấp ở địa phương và liên thông với hệ thống cấp quốc gia; chữ ký số đã được cấp phát đến cơ quan hành chính cấp xã đạt tỉ lệ 95%...

Hệ thống Cổng dịch vụ công đã được triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đạt 54% ở cơ quan cấp xã; trong đó đã tích hợp các dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến và các dịch vụ thành phố thông minh.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính; hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia đang được phát triển và ngày càng nâng cấp hoàn thiện.

Đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đã đưa vào vận hành chính thức 7 dịch vụ: giám sát đô thị qua cảm biến camera; phản ánh hiện trường; giám sát thông tin báo chí; giám sát dịch vụ hành chính công; thẻ điện tử; cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; giám sát quảng cáo điện tử.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, để nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, tỉnh rất quan tâm vấn đề hạ tầng kỹ thuật CNTT.

Hiện  Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương triển khai theo hướng hạ tầng dùng chung, tuy nhiên chỉ đầu tư đối với những hạ tầng có tính chất cốt lõi, còn lại sẽ thực hiện thuê dịch vụ trong phát triển hạ tầng CNTT, việc làm này vừa giảm gánh nặng ngân sách đầu tư vừa thuận tiện trong quản lý và đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh