THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:37

Thừa Thiên Huế: Nhiều kênh giải quyết việc làm hiệu quả

Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình việc làmxuất khẩu lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2017 – 2020. 

Sáng 16/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ), giai đoạn 2017 – 2020.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Hà Văn Tuấn – Giám đốc Sở LĐ–TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với việc triển khai thực hiện đồng bộ và đa dạng hóa các kênh, biện pháp đã giúp tỉnh tạo việc làm hiệu quả cho người lao động. Sau 1 năm thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 28.478 lao động.

Theo đó, các Sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển mạng lưới doanh nghiệp, qua đó tạo việc làm cho 24.243 lao động. Dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn địa phương chuyển ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phân bổ 3 tỷ đồng do Trung ương bổ sung và 12 tỷ đồng ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay việc làm trong nước và XKLĐ. Năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, từ nguồn vốn thu hồi và vốn bổ sung, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 2.754 dự án vay vốn với tổng số vốn hơn 105 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho 2.850 lao động.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đã làm tốt công tác kết nối thông tin cung - cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp, như: tổ chức Ngày hội tuyển sinh học nghề, tuyển dụng lao động; tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm định kỳ cố định và lưu động; phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, trung cấp trên địa bàn tổ chức các sàn việc làm; tổ chức các hoạt động tư vấn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; phổ biến thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử… Kết quả, đã có 63 phiên giao dịch việc làm được tổ chức, qua đó giới thiệu việc làm cho 4.917 lao động.

Đối với XKLĐ, theo ông Hà Văn Tuấn, đây là công tác được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là một nhiệm vụ quan trọng và lãnh đạo tỉnh rất chú trọng quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tỉnh coi đây là một kênh giải quyết việc làm và giúp người dân trên địa bàn xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Do đó, Sở LĐ–TB&XH Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động XKLĐ. Theo số liệu thống kê của Sở, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.385 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các thị trường XKLĐ chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Saudi Arabia… trong đó có 47 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, 24 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan. Hiện, đang có 11 lao động trúng tuyển Chương trình IM Japan, 28 lao động trúng tuyển Chương trình điều dưỡng viên, hộ lý đi học tập và làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức, 50 lao động vượt qua kỳ thi tiếng Hàn và đang theo học các khóa đào tạo. Ngoài ra, trên 400 lao động đã trúng tuyển và đang tham gia các khóa học ngoại ngữ, giáo dục định hướng trước khi XKLĐ,…

 

Người lao động Thừa Thiên Huế tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội tuyển sinh học nghề và tuyển dụng lao động

Tuy nhiên, các đại diện tham dự phát biểu cho rằng, công tác XKLĐ tại Thừa Thiên Huế vẫn chưa đạt hiệu quả cao; còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; người dân chưa mặn mà với XKLĐ. Ông Văn Đức Thọ - Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, nguồn vốn vay phục vụ XKLĐ không thiếu, nhưng lượng người vay hiện còn hạn chế.

Ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, tình trạng lao động thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định còn cao, sức ép việc làm vẫn còn lớn, nhất là trong thanh niên và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên qua các năm nhưng cơ bản chỉ đáp ứng được những việc làm đơn giản, phổ thông. Nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể đảm nhận các vị trí quản lý trong doanh nghiệp vẫn thiếu.

Cũng theo ông Dung, các địa phương trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa, nhất là cấp xã chưa quan tâm đúng mức, chưa xác định XKLĐ là giải pháp giảm nghèo nhanh, hiệu quả. Do đó, công tác triển khai vẫn còn mang tính hình thức, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh