CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:09

Xã Hương Thọ (Thừa Thiên Huế): 40 giếng nước trơ đáy, cả làng lao đao

Gần như toàn bộ giếng nước ở thôn Sơn Thọ đã cạn trơ đáy

Thôn Sơn Thọ được thành lập năm 1992. Hiện nay toàn thôn có 42 hộ dân với khoảng hơn 200 nhân khẩu. Đây là khu vực dân cư vùng bán sơn địa, nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 15 Km về phía Tây. Mặc dù là thôn mới được thành lập và tọa lạc trên thượng nguồn sông Hương, nhưng do đặc thù nằm trong vùng “ốc đảo” của X. Hương Thọ (bị chia cắt bởi 2 nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch - thượng nguồn sông Hương) nên từ khi thành lập tới nay, thôn Sơn Thọ không có hệ thống nước máy để sinh hoạt. Muốn có nước sạch để dùng, người dân nơi đây buộc phải đào giếng sâu hàng chục mét.

Vào thôn Sơn Thọ trong những ngày này, câu chuyện nóng nhất, khiến người dân lo lắng, bức xúc là nỗi lo thiếu nước sạch sinh hoạt. Theo người dân nơi trong thôn cho biết, bình thường cả ngày, họ - những người dân ven rừng quần quật với công việc mưu sinh. Khi mùa hè đến, nỗi lo cuộc sống hàng ngày lại trở nên nặng nề hơn với việc lo nước sinh hoạt khi chiều về.

 Ông Lê Văn Tuấn, Trưởng thôn Sơn Thọ cho biết: Cả thôn có 40 cái giếng đào thì hiện nay chỉ còn hai cái có nước. “Tuy gọi là có nước nhưng máy bơm không thể hút được nữa, vì nước cạn và cáu bẩn. Nước từ giếng khi múc lên khi có màu đen, lúc có màng màu vàng nhếch nhác. Khi những cái giếng nước trong thôn đều đã cạn trơ đáy, mọi sinh hoạt liên quan đến nước đều phải nhờ vào các gia đình ở thôn Kim Ngọc bên cạnh, cách Sơn Thọ hơn 3 km. Nếu là chỗ thân quen, họ hàng thì có thể xi, bằng không phải mua từng thùng, từng can 20 hoặc 30 lít để đem về nấu nướng. Việc tắm rửa chủ yếu nhờ vào sông Hữu trạch, nhưng cũng chỉ có trẻ con và đàn ông, còn phụ nữ hầu như bó tay”, ông Tuấn cho biết.

“Đã hơn một tháng nay, trong mùa hè nắng gắt cũng là mùa thu hoạch nông sản, người nông dân ở đây phải quần quật suốt ngày với công việc…Tình tạng thiếu nước sạch sinh hoạt cứ tiếp diễn sẽ trở thành sự cực hình đối với chúng tôi”, bà Trần Thị Diễm, người dân thôn Sơn Thọ bức xúc.

Theo các cụ già ở đây, thì hơn 1/4  thế kỉ qua chưa có tình trạng cạn kiệt nước như thế này, ruộng đồng khô nứt nẻ, dòng suối dẫn nước từ hồ Sơn Thọ cũng cạn trơ đáy. Ông Nguyễn Trình, là người cao tuổi nhất ở thôn chỉ vào chiếc giếng than vãn: “Không còn nước, dù nhà tôi mới đầu tư thên 4 Bi (4 ống Pi khoảng hơn 4 mét) nữa nhưng vẫn không có nước. Chưa bao giờ cạn khô như thế này.”

Nỗi khổ của người dân vùng "khát" nước máy sạch sinh hoạt

Đem câu chuyện “khát nước” sạch sinh hoạt và mong muốn có hệ thống nước máy vào làng của người dân thôn Sơn Thọ trao đổi với lãnh đạo X. Hương Thọ, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là “không thể”. Theo ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch UBND X. Hương Thọ lý giải: do cơ chế thị trường nên việc đề nghị Công ty cấp thoát nước Thừa Thiên Huế (đơn vị độc quyền trong việc cung cấp nước máy sạch cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế) đưa đường nước vào thôn Sơn Thọ là không thể. Lý do là vì nguồn vốn đầu tư quá lớn, trong khi số hộ dân của thôn lại quá ít. “Nếu còn cơ chế bao cấp, Công ty là đơn vị sự nghiệp có thu thì việc đầu tư sẽ dễ dàng hơn. Chúng tôi đã có tờ trình gửi lên cấp trên cũng như gửi sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để có hướng giải quyết.

Điều đáng nói ở đây, dù Sơn Thọ là một thôn được thành lập mới để giãn dân nhưng hầu như cở sợ hạ tầng, các công trình công cộng ở đây gần như không được đầu tư ngay từ ban đầu. Đơn cử như việc đấu nối điện sinh hoạt cho người dân cũng chỉ mới được thực hiện vào năm 2014 sau khi các cơ quan báo chí, trong đó có báo LĐ&XH, báo Dân Sinh lên tiếng phản ánh.

Trong Kế hoạch số 145/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020, X. Hương Thọ là 1 trong 41 xã thuộc diện được đầu tư để đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu mà Kế hoạch 145 đặt ra là cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Nếu đến năm 2019, X. Hương Thọ đạt chuẩn theo đúng kế hoạch, trong khi còn nhiều hộ dân (cả thôn Sơn Thọ) không có nước sạch sinh hoạt như lời ông Quý nói rằng việc đấu nối đường ống mà thực hiện theo kiểu bao cấp là không thể thì không biết bộ mặt nông thôn mới của xã này nó như thế nào?

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh