THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:35

Thừa Thiên Huế hợp tác, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn tìm giải pháp đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn tìm giải pháp đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được khởi động trở lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Kết quả từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 441 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đạt 22,1% theo kế hoạch của năm 2022. Nhật Bản tiếp tục là thị trường được nhiều lao động lựa chọn với 390 người đã đi làm việc ở đất nước này. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu,…

Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch đưa người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025.

Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ đẩy mạnh, đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền nhằm tạo sức lan toả để thay đổi và nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân; giúp người lao động tự tin, mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mở rộng thị trường tiếp nhận lao động, tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mở cơ sở đào tạo nguồn lao động, phỏng vấn tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài,…        

Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại cuộc họp

Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại cuộc họp

Tại cuộc họp này, Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao lao động và Chuyên gia Suleco (Suleco) - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi lao động ở nước ngoài cũng đã trình bày dự án đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu của dự án là từ nay đến 2025, phấn đấu đưa được 4.800 đến 5.000 lao động của Thừa Thiên Huế ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.         

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Suleco cho biết, chiến lược của dự án là tập trung vào địa bàn huyện miền núi A Lưới (đây là một trong những huyện nghèo nhất nước), với đối tượng chính là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nhằm tạo hiệu ứng “vết dầu loang”. Trong quá trình triển khai dự án, Suleco sẽ ưu tiên vận động, đào tạo và phải cử người lao động nhóm tuổi 35 trở lên trước. Tiếp theo là nhóm người lao động trong độ tuổi 18, ưu tiên đào tạo tay nghề có bằng cấp và sẽ tiến cử các công việc đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Cuối cùng là nhóm trong độ tuổi 19 - 31 sẽ được ưu tiên phái cử đi làm việc 3 - 5 năm tại nước ngoài, mang lại thu nhập lớn.         

Các chương trình đi làm việc sẽ là chương trình 1 năm và 3 năm tại Nhật Bản, với các lĩnh vực, ngành nghề, như: nông nghiệp, xây dựng, sản xuất công nghiệp, thực phẩm, du lịch hàng không,... cùng mức thu nhập từ 27 đến 30 triệu đồng/tháng        

Về các khoản chi phí, bà Hạnh cho biết, do đối tượng là lao động thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo nên có rất nhiều khoản hỗ trợ từ dự án, Công ty Suleco và vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách. Vì vậy, “người lao động chỉ phải bỏ ra hai thứ, đó là thời gian và ý chí”, bà Hạnh quả quyết.        

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Suleco trình bày dự án

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty Suleco trình bày dự án

Tại buổi họp, Trung tâm Nguồn nhân lực Việt Nam - VIMAC (thuộc Công ty Vietravel) cũng đã trình bày về kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở thị trường Hungary. Đây là một thị trường mới với rất nhiều tiềm năng.

Theo đại diện VIMAC, đối tượng lao động có thể tham gia nằm trong độ tuổi từ 18 - 50, với thời hạn lao động tại Hungary tối thiểu là 2 năm. Sức khoẻ đủ theo tiêu chuẩn quy định của Chính phủ Việt Nam và Hungary, không dị tật, không bị mù màu, lý lịch rõ ràng,..Các ngành nghề tuyển dụng, như: công nhân may ghế da, bọc ghế da, hái nấm, phụ việc nhà máy nhựa, sản xuất pallet gỗ, thợ xây, nhân viên kho, lái xe nâng, thợ hàn, thợ điện, đầu bếp, buồng phòng khách sạn,…Thu nhập cơ bản bình quân từ 13,9 triệu - 27,4 triệu đồng/tháng.        

Cũng theo đại diện VIMAC, người lao động sau khi trúng tuyển sẽ được Công ty Vietravel hỗ trợ thủ tục vay vốn ngân hàng; khi xuất cảnh sang Hungary làm việc sẽ được chủ sử dụng lao động cung cấp chỗ ở miễn phí trong suốt thời gian làm việc theo hợp đồng; được bảo đảm các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…theo luật của đất nước sở tại. Sau 3 năm làm việc và đạt được những điều kiện, quy định, người lao động có quyền nộp đơn xin định cư.        

Sau khi nghe báo cáo của 2 doanh nghiệp nói trên, đại diện lãnh đạo các địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao đổi, thảo luận để làm rõ những vướng mắc, khó khăn trong công tác tuyển dụng, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp làm rõ những quy định, những ràng buộc, cơ chế phối hợp bảo vệ người lao động khi họ tham gia xuất khẩu lao động, nhất là tại thị trường mới như Hungary.        

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh luôn xác định xuất khẩu lao động là một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng chủ động triển khai thực hiện dựa trên sự hợp tác, tạo điều kiện của các địa phương.

“Quan điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế là tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, đơn vị có chức năng tiếp cận, phỏng vấn tuyển dụng người lao động để tham gia các đơn hàng với số lượng càng nhiều càng tốt, qua đó góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo bền vững”, ông Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo thống kê sơ bộ và số liệu báo cáo của ngành LĐ-TB&XH, ông Bình nhận định kết qua chưa đạt được như kỳ vọng (chưa đạt 50% theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đề ra). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ ra khâu yếu nhất hiện nay là thông tin chưa đến được với người lao động, chính sách chưa thuyết phục được người lao động; bên cạnh đó vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa thực sự nổi bật.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tới đây tỉnh sẽ giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng địa phương. Trong các giải pháp thoát nghèo thì công tác xuất khẩu lao động sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ giúp giải quyết việc làm trước mắt, tăng thu nhập mà còn tạo ra một đội ngũ lao động có chất lượng cao, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng người lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thúc đẩy đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngành Lao động-TB&XH rà soát, đánh giá lại kết quả đã đạt được dựa trên chỉ tiêu đã đề ra, qua đó tham mưu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, phát huy thành quả.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế và công ty Suleco cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế và công ty Suleco cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ

Dịp này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế và công ty Suleco cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp Tư vấn - Tuyển chọn - Đào tạo - Chuyển giao người lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025.  

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh