THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

Thừa Thiên Huế: Hơn 550 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

 

Sở LĐ–TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế Hội nghị Sơ kết công tác xuất khẩu lao động 5 tháng đầu năm 2019


Chiều 30/5, Sở LĐ–TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác xuất khẩu lao động tỉnh 5 tháng đầu năm 2019. Hội nghị là nơi để cơ quan quản lý Nhà nước về công tác XKLĐ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ và đơn vị tài chính (Ngân hàng chính sách xã hội) ngồi lại với nhau để cùng nhìn lại những kết quả đạt được, đồng thời tìm ra biện pháp, phương hướng để tháo gỡ những khó khăn, bất cập còn tồn tại để làm tốt hơn nữa công tác đưa người lao động Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn.

Ông Hà Văn Tuấn – Giám đốc Sở LĐ–TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ, tiếp tục tạo bước đột phá trong năm 2019, ngay từ Tết nguyên đán, Sở đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Qua đó, 5 tháng đầu năm 2019, đã có 554 lao động Thừa Thiên Huế xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường chủ yếu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Những địa phương có số lượng người lao động tham gia XKLĐ cao nhất, như: Phú Vang (130 lao động), thị xã Hương Thủy (95 lao động), Phong Điền (80 lao động), Phú Lộc (72 lao động), TP. Huế (73 lao động),…

Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ tham gia Hội nghị cũng đã nêu lên những thuận lợi và khó khăn khi đi tuyển dụng lao động tại địa bàn Thừa Thiên Huế. Các doanh nghiệp đều cho rằng, lãnh đạo các cấp, các ngành tại Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ chế, chính sách cởi mở để doanh nghiệp tiếp cận, tư vấn, tuyển dụng người lao động tham gia XKLĐ; các đối tác thì rất cần lao động Thừa Thiên Huế và có nhiều đơn hàng về.

Tuy nhiên, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đối với công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh này vẫn xảy ra. Theo đại diện doanh nghiệp, khi họ về cơ sở liên hệ tư vấn, tuyển dụng lao động đi XKLĐ, một số nơi còn tỏ ra thờ ơ, nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ về XKLĐ nên không mặn mà; một số địa phương còn gây khó dễ về mặt thủ tục cho người muốn tham gia XKLĐ; hồ sơ vay vốn bị Ngân hàng làm khó…

 

Lao động Thừa Thiên Huế tham gia XKLĐ

Theo ông Tuấn, để giải quyết những tình trạng như doanh nghiệp nêu, các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác XKLĐ; giao chỉ tiêu về cho các các cán bộ chuyên trách của cấp xã, mỗi cá nhân phải vận động được 1 người dân đi XKLĐ, thậm chí vận đống chính cán bộ chuyên trách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để cải thiện đời sống.

Về mặt thủ tục pháp lý cũng như hồ sơ vay vốn, ông Tuấn yêu cầu các phòng ban chuyên môn, các địa phương kiểm tra lại để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân; đồng thời đề nghị cả phía Ngân hàng CSXH lẫn doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ theo quy định của Trung ương khi lập và giải quyết hồ sơ đề nghị vay vốn cho người lao động.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh