CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:07

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Nâng cao năng lực cho những người có uy tín để thực hiện tốt bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Hiện nay, các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: dân tộc Bru – Vân Kiều, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy. Địa bàn cư trú chủ yếu là ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới cùng một bộ phận nhỏ tại huyện Phú Lộc, Phong Điền, thị xã Hương Trà.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, phạm vi triển khai Kế hoạch là địa bàn các xã và huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cán bộ thôn, thôn khu phố và các đoàn thể của thôn, khu phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi; cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2018-2025 là 4,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, các nguồn tài trợ, viện trợ và nguồn huy động hợp pháp khác.

Các hoạt động gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về giới và bình đẳng giới cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát hành tờ rơi/tờ gấp, pano, áp phích, tranh cổ động tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi và tại các trường học nhất là trường dân tộc nội trú và bán trú trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện, ban giám hiệu các trường nội trú, bán trú và người có uy tín vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng và thực hiện các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; năm 2018, xây dựng mô hình tại 2 xã còn xảy ra nhiều tình trạng bất bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình; từ năm 2019-2025, nhân rộng thêm 10 xã tại 2 huyện Nam Đông và A Lưới là vùng có đông  bà con dân tộc thiểu số sinh sống...

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới; tiến tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới và các quan niệm lạc hậu về giới cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới. Góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của vùng dân tộc thiểu số nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.  Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh