THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:52

Thừa Thiên Huế giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 người trong năm 2022

Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường việc làm tại Huế

Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường việc làm tại Huế

Chiều 7/12, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11/2022, ông Trần Hữu Thuỳ Giang - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã  triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đã có nhiều dấu hiệu tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; 14/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, đối tượng chính sách; tiếp tục hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Theo ông Giang, trong tháng 12/2022, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2023; theo dõi, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch; các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan các thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xã hội; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ,…

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh về việc tiến hành thẩm tra các nội chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa VIII, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2022, ngành đã tập trung nỗ lực để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là việc thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đền ơn đáp nghĩa.... 

Theo đó, Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19. Tính đến ngày 21/11/2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ: 182.311 lượt người, với tổng kinh phí 136,543 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 1.694 lao động với số tiền 2,308 tỷ đồng. Tình hình lao động, việc làm được quan tâm thường xuyên, đã giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 người, trong đó, đưa lao động đi làm việc nước ngoài 1.500 người. 

Thừa Thiên Huế cũng đã thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo, góp phần giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên, thoát nghèo vững chắc. Theo số liệu rà soát sơ bộ đến ngày 15/11/2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế giảm còn 10.645 hộ (32.616 khẩu), chiếm tỷ lệ 3,23%, giảm 1,7% so với năm 2021; tổng số hộ cận nghèo giảm xuống còn 9.928 hộ (30.147 khẩu), tỷ lệ 3,01%, giảm 0,94% so với năm 2021. 

Ngành LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các quy định pháp luật về chính sách lao động cho người lao động. Giải quyết chế độ chính sách cho 16.424 người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp thời chi trả trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ tham mưu đẩy mạnh công tác chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh.

Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt nhiều kết quả. Trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích giảm so với năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Toàn tỉnh có 1.497 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, giảm 23 trường hợp so với cùng kỳ. 

Tại buổi họp báo chiều 7/12, ông Trần Hữu Thuỳ Giang cũng đã thông tin sơ bộ về mô hình thành lập thành phố trực thuộc trực thuộc Trung ương khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 vừa qua, 2 phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đã được đưa ra lấy ý kiến.

Trong đó, phương án 1 gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Với phương án này, TP Huế sau khi sắp xếp, thành lập có 32 phường chia thành 2 quận: Quận phía Bắc gồm 13 phường, quận phía Nam gồm 19 phường. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Phong Điền. Thành lập quận Hương Thủy gồm 7 phường. Nhập huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc thành 1 huyện mới. Thị xã Hương Trà sẽ có 10 đơn vị hành chính cấp xã do chuyển xã Dương Hòa từ thị xã Hương Thủy. Giữ nguyên hiện trạng 3 đơn vị hành chính cấp huyện là Quảng Điền, A Lưới và Phú Vang.

Về phương án lựa chọn tên gọi, phương án 1 là Thành phố Huế, phương án 2 là Thành phố Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, dự kiến phương án tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh