Thừa Thiên - Huế: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ thúc đẩy lao động tự do tham gia bảo hiểm y tế
- Dược liệu
- 04:56 - 07/02/2020
Sáng 6/2, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế khóa VII tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016 - 2021 để bàn và thông qua các Nghị quyết chuyên đề về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo nội dung, chương trình của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra trong năm 2020. Một trong các nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo và xem xét thông qua là Nghị quyết về quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo Tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập do tỉnh quản lý đang được áp dụng theo Quyết định số 74/2017/QĐ-UBND ngày 1/9/2017 (theo Nghị quyết số 20/2017 của HĐND tỉnh). Cụ thể, được tính trên mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2018 – 2019, Bộ Y tế đã có các Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp khi có sự thay đổi về mức lương cơ sở (1.390.000 đồng năm 2018 và 1.490.000 đồng năm 2019).
Trong khi đó, mức độ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn Thừa Thiên – Huế tính đến ngày 30/11/2018 là 98,82%. Vì vậy, theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh; phù hợp với mặt bằng chung giá thị trường theo quy định của Luật Giá và thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, hầu hết các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... đang được Nhà nước bảo đảm thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Còn với khoảng dưới 2% người dân còn lại không có bảo hiểm y tế là người dân có mức thu nhập ổn định có đủ khả năng chi trả phần điều chỉnh tăng thêm lần này. Mặt khác, mức giá dịch vụ y tế đề nghị điều chỉnh bằng mức giá Thông tư số 13/2019/TT-BYT đang áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế.
Do vậy, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế nói trên sẽ tác động không lớn đến người dân không có thẻ bảo hiểm y tế.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị mức giá cụ thể của các dịch vụ khám bệnh chữa bệnh đề nghị bằng mức giá tối đa ban hành kèm theo Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế.
Thay mặt Ban báo cáo thẩm trình, bà Trần Minh Nguyệt, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho rằng, việc UBND tỉnh này đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập là phù hợp với thực tế và đúng thẩm quyền.
Theo bà Nguyệt, Nghị quyết lần này chỉ tăng giá dịch vụ y tế. Cụ thể, mức điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng bình quân 4,4%; giá kỹ thuật và xét nghiệm tăng bình quân 1,1%.
Sau khi nghe Tờ trình của UBND và Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá – xã hội, Thư ký kỳ họp đã trình Hội đồng Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Với việc không có ý kiến nào khác tham gia thảo luận, các đại biểu tham dự kỳ họp cũng đã thông qua Nghị quyết này.