CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:53

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế “xin” người dân cho bãi rác vận hành thử 10 ngày…

Đại diện người dân thôn Nam Phước phát biểu tại buổi đối thoại


Sáng ngày 25/4, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng 1 Phó Chủ tịch tỉnh và đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, các Sở, ban ngành của tỉnh này và lãnh đạo huyện Phú Lộc đã về xã Lộc Thủy để đối thoại với người dân thôn Nam Phước, liên quan đến việc người dân ở đây cản trở hoạt động của Khu xử lý rác thải Lộc Thủy. Theo lời ông Cao, đây sẽ là cuộc đối thoại cuối cùng sau rất nhiều cuộc đối thoại từ lãnh đạo cấp xã, huyện chủ trì tổ chức cho đến cuộc đối thoại do Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh là ông Phan Ngọc Thọ chủ trì, nhưng tất cả đều không có kết quả cuối cùng.

Tại buổi đối thoại, người dân thôn Nam Phước cho rằng, họ là những hộ dân thuộc diện tái định cư, được Nhà nước đưa lên xây dựng khu kinh tế mới từ năm 1996, đến nay đã là 21 năm. Sau đó, năm 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế lại có chủ trương xây dựng bãi xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thôn Nam Phước. Khi đó, người dân địa phương đã kịch liệt phản đối vì họ cho rằng dự án này nằm trên đầu nguồn nước và nằm trong khu dân cư. Tuy nhiên, bãi chôn lấp rác Lộc Thủy vẫn được xây dựng từ nguồn vốn vay ADB và đưa vào sử dụng từ năm 2011 với mục đích xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Phú Lộc. Trong quá trình bãi rác vận hành xử lý rác thải từ khi được đưa vào sử dụng, người dân đã nhiều lần phản ánh việc gây ảnh hưởng môi trường bên ngoài của khu xử lý này, nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Bắt đầu từ năm 2014, lượng rác thải được đưa về Khu xử lý rác thải Lộc Thủy tăng lên. Không những thế, vào thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, do áp lực về xử lý rác thải dịp cận và sau tết Nguyên đán, Hepco Huế đã đưa thêm rác thải sinh hoạt từ huyện Phú Vang vốn trước đó không nằm trong kế hoạch về xử lý tại Khu xử lý Lộc Thủy.

Lượng rác tăng lên đồng nghĩa với việc xử lý sẽ bị chậm hơn, cộng với những tồn tại trước đó khiến mùi hôi thối từ bãi rác bốc ra bên ngoài ngày càng tăng nặng; ruồi muỗi nhiều; nước trong rác thải chảy ra môi trường bên ngoài làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân,…Cũng trong khoảng thời gian này, Hepco Huế đã sử dụng xe tải không phải xe chuyên dụng vận chuyển rác thải về Khu xử lý Lộc Thủy khiến người dân càng thêm bức xúc. Đỉnh điểm của sự việc bắt đầu từ ngày 27/2, khi người dân thôn Nam Phước tổ chức chặn xe chở rác, không cho đi vào bên trong bãi rác. Từ đó, hoạt động của bãi rác Lộc Thủy bị đình trệ cho đến thời điểm hiện tại.

Với tinh thần cầu thị, chính quyền địa phương từ cấp xã cho đến cấp tỉnh đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhằm giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà người dân Nam Phước vẫn chưa đồng thuận với các phương hướng xử lý mà chính quyền và Hepco Huế cam kết và đưa ra.

Ngày 4/4/2017, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc họp làm việc với các đơn vị về dự án bãi chôn lấp chất thải rắn Lộc Thủy. Sau buổi họp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Cao. Tại đây, ông Cao cho biết buổi họp đã thống nhất được 4 phương hướng xử lý vụ việc, cụ thể: Thứ nhất, vẫn phải sử dụng Khu xử lý rác Lộc Thủy. Theo ông Cao thì không thể không sử dụng vì hiện tại ở Phú Lộc không có bãi chôn lấp rác thải nào khác. Bãi chôn lấp rác Lộc Thủy đã được đầu tư xây dựng bài bản và nằm trong quy hoạch chung phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện vệ sinh, vận chuyển, xử lý môi trường tại bãi rác một cách tốt nhất như đã cam kết; Thứ ba, tiếp tục vận động nhân dân ủng hộ việc vận chuyển, xử lý rác tại Khu xử lý rác Lộc Thủy; Thứ tư là rà soát lại những hộ dân bị ảnh hưởng và có kế hoạch di dời sớm. Đầu tiên sẽ ưu tiên di dời các hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 300m.

Trong đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh có hơn 70 chữ ký, người dân thôn Nam Phước đề nghị 2 phương hướng xử lý đó là: đóng cửa, di dời bãi rác đi nơi khác hoặc là phải thay đổi công nghệ, chứ họ không chịu di dời thêm một lần nữa. Tại buổi đối thoại, dù đã nhận được rất nhiều lời giải thích, cũng như cam kết về việc khắc phục những hạn chế, nhưng người dân vẫn cương quyết hoặc là đóng cửa bãi rác hoặc là phía tỉnh đưa ra 1 lộ trình cụ thể về việc thay đổi công nghệ. “Chỉ khi nào nhìn thấy máy móc mới về thì chúng tôi mới chịu, còn không chúng tôi nhất quyết ngăn chặn không cho xe chở rác đi vào bãi rác”, bà Hồ Thị Sáng, 1 người dân Nam Phước phát biểu.

Ông Nguyễn Văn Cao trả lời trước người dân thôn Nam Phước

Trước người dân, ông Nguyễn Văn Cao quả quyết vẫn phải tiếp tục sử dụng bãi rác Lộc Thủy vì dự án đã được đầu tư bài bản và nằm trong quy hoạch chung. Ông Cao cũng khẳng định, nếu người dân không chấp nhận phương án di dời thì tỉnh sẽ thực hiện phương án 2 như đề nghị của bà con, đó là thay đổi công nghệ (có thể chuyển sang phương án xây dựng lò đốt). Tuy nhiên ông Cao cũng cho rằng: “Muốn thay đổi công nghệ thì không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian. Hiện nay Hepco đã có cam kết 8 điểm, nên muốn có cơ sở thực tế xem họ có thực sự thay đổi hay không thì bà con phải cho họ vận hành lại bãi rác, khi đó mới có cái để mà đánh giá”. Do đó: “Tôi xin đề nghị bà con, vào tháng 5 này, bà con cho bãi rác vận hành thử trong vòng 10 ngày. Sau đó sẽ tạm thời đóng cửa trở lại để xem những mặt hạn chế trước đó đã được khắc phục hay chưa. Nếu vẫn còn tồn tại thì tiếp tục khắc phục. Trong trường hợp không thể khắc phục thì ta sẽ bàn tính hình thức xử lý khác”, theo lời ông Cao. Mặt khác, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cam kết dù việc khắc phục những mặt hạn chế đã có kết quả khả quan, môi trường không còn bị ảnh hưởng nữa, nhưng nếu hộ dân nào vẫn có nhu cầu xin được di dời thì tỉnh cũng sẽ xem xét giải quyết.

Cuộc đối thoại căng thẳng kéo dài từ 8h sáng cho đến gần 12h trưa nhưng kết quả cuối cùng thì người dân Nam Phước vẫn không chịu đồng tình với các phương án xử lý mà chính quyền đưa ra. Liệu vụ việc sẽ còn kéo dài đến bao giờ, trong tình trạng tồn đọng rác thải trên địa bàn huyện Phú Lộc ngày càng trầm trọng. Phải chăng chính quyền địa phương cần có những biện pháp dứt khoát; còn người dân cũng không nên quá manh động, tránh vi phạm pháp luật.


Video Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nói về phương hướng giải quyết việc làm cho người dân sau khi di dời

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh