CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:38

Thừa Thiên Huế: Còn phải xin lỗi dân đến bao giờ?

Rác thải chồng chất

Rác thải bị tồn đọng tại trung tâm xã Lộc Vĩnh

Như báo Dân sinh đã phản ánh việc người dân thôn Nam Phước (xã Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) liên tục tổ chức chặn xe chở rác, cản trở hoạt động của Khu xử lý rác Lộc Thủy, vì họ cho rằng hoạt động của bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dù chính quyền từ cấp xã đến cấp tỉnh cùng Công ty Hepco Huế đã nhiều lần tổ chức đối thoại, xin lỗi người dân và cam kết khắc phục, nâng cao phương thức kỹ thuật để hoạt động của Khu xử lý. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực vừa kể, thì trong suốt 1 tháng qua, việc chặn xe của người dân Nam Phước vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chính quyền đã nhiều lần tổ chức đối thoại. Trong ảnh là ông Phan Ngọc Thọ và các đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi đối thoại với người dân thôn Nam Phước ngày 23/3

Người dân thì vẫn cứ quyết chặn xe

Việc người dân Nam Phước chặn xe làm tê liệt hoạt động của Khu xử lý rác Lộc Thủy vô hình chung đã tạo nên một sức ép cực lớn trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của Hepco Huế. Do Khu xử lý rác Lộc Thủy không thể hoạt động trong suốt 1 tháng qua, toàn bộ rác thải sinh hoạt của 18 xã, thị trấn thuộc huyện Phú Lộc không có nơi xử lý. Như chính ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng giám đốc Hepco Huế đã từng than: “Riêng tại huyện Phú Lộc, mỗi ngày chúng tôi phải thu gom và xử lý từ 25 – 30 tấn rác, nhưng 1 tuần qua không thể xử lý được nên phát sinh vấn đề rác tồn lưu ở các địa phương tạo nên áp lực rất lớn”. Lời than của ông Khánh có ở thời điểm việc chặn xe rác của người dân mới diễn ra được 1 tuần, nhưng nay sự việc đã kéo dài ra cả tháng, vậy thì số lượng rác thải tồn đọng khi được nhân lên đã là 1 con số khủng khiếp.

Rác thải sinh hoạt bị tồn đọng quá lâu, với đơn vị xử lý là một sức ép cực lớn, còn với người dân là nỗi khổ không kể xiết. Ông T. H. N (48 tuổi) chủ 1 quán cơm ở trung tâm xã Lộc Vĩnh nhăn nhó: “Khổ nhất với tôi bây giờ là cái đống rác to lù lù nằm ngay trước mặt quán. Cả một tháng nay rồi chả có một bóng dáng chiếc xe chở rác nào về đây để đưa số rác đó đi xử lý cả. Càng ngày, lượng rác thải càng tăng lên cùng với đó là mùi hôi thối mỗi lúc một nặng, rồi ruồi nhặng thì như các đàn ong vỡ tổ”. Còn vợ ông N thì như mếu: “Tình mà không sớm được giải quyết thì chúng tôi cũng đến đóng cửa quán thôi. Đường này lại có nhiều đoàn xe du lịch đi qua (quán cơm nhà ông N chỉ cách cảng Chân Mây khoảng 1 km), xe của đoàn khách nước ngoài nào đi qua cái đống rác ấy họ cũng đứng lại chụp hết, như thế thì có ai dám dừng lại mà ăn. Chính quyền phải xem tìm cách nào để giải quyết vấn đề chứ như thế này thì làm sao người dân chịu được. Người dân Nam Phước họ phải chịu mùi hôi thối cả mười năm nay, giờ bắt họ chịu đựng thêm nữa cũng không được, nhưng cứ để rác thải tồn đọng cả huyện, cả tỉnh thế này cũng không xong”.

Cũng theo ông Khánh cho biết thì bãi rác lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế là bãi chôn lấp Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) đã gần đầy. Để giảm tải, Hepco Huế đã phải vận chuyển rác thải từ một số địa phương khác đem về Khu xử lý Lộc Thủy để xử lý. Nhưng nay bãi rác Lộc Thủy bị tê liệt dẫn đến bãi rác Thủy Phương phải “gồng mình” lên xử lý. Mặt khác, theo báo cáo của Sở TN&MT Thừa Thiên Huế thì hầu hết các bãi xử lý rác phụ cận ở địa bàn tỉnh này đều có quy mô nhỏ, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp nên vẫn tồn tại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Không những thế, công tác thu gom rác thải ở nhiều địa phương còn tồn tại vô số những mặt hạn chế đã góp phần tạo nên thực trạng chung trên địa bàn tỉnh này là rác thải sinh hoạt bị tồn đọng trong thời gian dài với số lượng lớn.

Có giải pháp nhưng cứ mãi nằm trên giấy tờ

Dự án Nhà máy xử lý rác thải dang dở suốt 5 năm qua

Nhằm nâng cao khả năng thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, ngày  23/6/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo bản quy hoạch này, trong tương lai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hình thành 3 vùng xử lý rác thải rắn tập trung, bao gồm: vùng 1 tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy, 40 ha); vùng 2 tại xã Hương Bình (thị xã Hương Trà, 40 ha); vùng 3 gồm các khu xử lý nằm trên địa bàn 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông). Tuy nhiên, tất cả những khu xử lý này hiện vẫn chỉ nằm trên mặt giấy tờ.

Không những thế, một dự án được xem là hoành tráng, đi tắt đón đầu về xử lý rác theo phương thức xã hội hóa được khởi công xây dựng từ tháng 1/2012 đến nay đến phần móng còn chưa xong. Đó là dự án Nhà máy chế  biến rác thải Hương Thủy với công suất 500 tấn/ngày đã được khởi công xây dựng tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy. Tổng diện tích của nhà máy xử lý rác thải là 20ha, công trình bao gồm 18 hạng mục với giá trị lên đến 900 tỷ đồng.

Chủ đầu tư của dự án “khủng” trên là Tập đoàn An Phát. Khi mới bắt tay vào dự án, đơn vị đầu tư đã không quên cho cả chính quyền lẫn người dân Thừa Thiên Huế ăn một cái bánh vẽ to đùng khi họ PR dự án của mình như sau: “Công ty TNHH Môi trường An Phát đặt tiêu chí trọng tâm vào việc sử dụng nguồn nhân lực lao động tại địa phương. Khi nhà máy đi vào hoạt động, số lượng công nhân viên dự trự trù cho nhà máy sẽ vào khoảng 130 tới 150. Dự kiến đến đầu quý IV năm 2012 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Sản phẩm được chế tạo từ rác liên quan năng lượng tái tạo có nhu cầu cao trong phạm vi cả nước”.

Sau khi khởi công và đổ xong một vài trụ móng, dự án Nhà máy chế  biến rác thải Hương Thủy nằm bất động. Đến năm 2014, An Phát chuyển nhượng đứa con dang dở của mình cho Công ty CP đầu tư và xây dựng Hải Vân. Hải Vân sau đó đổi tên dự án thành Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ BIOPLASMA Huế với công suất xử lý rác 380 tấn/ngày. Song lý do thật sự mà Hải Vân mua lại dự án này thì có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới biết. Còn tại công trường, ngoài việc thay cái bảng tên dự án, Hải Vân chẳng làm thêm gì ngoài những cái đã thực hiện từ thời An Phát.

Dự án kêu gọi xã hôi hóa, doanh nghiệp đầu tư “bỏ của chạy lấy người”, nhưng dự án của Nhà nước thì lại hết sức mơ hồ. Cuối năm 2016, tại khu quy hoạch Phú Sơn, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế làm lễ động thổ dự án bãi chôn lấp rác với diện tích 2 ha do chính Sở này làm chủ đầu tư. Tuy nhiên theo nguồn tin riêng mà phóng viên báo Dân sinh có được thì diện tích đất được chọn để làm nơi xây dựng bãi rác hiện vẫn còn là đất trồng cây lâm nghiệp và chưa được chính quyền thu hồi. Vậy phải chăng, việc động thổ của quý Sở chỉ để giải quyết một cái gì đó chăng?

Mới đây, trên diễn đàn trực tuyến của báo Thừa Thiên Huế, khi được hỏi liệu Hepco Huế có quá độc quyền trong công tác xử lý rác thải nên dẫn đến những hệ lụy như hiện nay, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Về cơ bản hiện nay, tại Thừa Thiên Huế, Hepco vẫn là đơn vị chủ lực trong thu gom, xử lý rác thải, nhưng Tỉnh cũng luôn sẵn sàng đón nhận những đơn vị đủ năng lực và thật sự có ý muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Song, nếu cơ chế của tỉnh đủ hấp dẫn liệu các doanh nghiệp có “bỏ của chạy lấy người” như An Phát và Hải Vân; còn một tập đoàn hiện đã xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy xử lý rác thải từ lâu thì lại liên tục bị tỉnh nợ tiền.

Ngày 23/3 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Thừa Thiên Huế đã về đối thoại với người dân Nam Phước, nhưng người dân thì vẫn quyết chặn xe. Nếu cứ như thế, không biết Thừa Thiên Huế sẽ cò phải hứa, còn phải xin lỗi dân đến bao giờ?

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh