THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Thừa Thiên – Huế: Công bố thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai

Thừa Thiên – Huế: Công bố thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai - Ảnh 1.

Thả cá giống, tôm giống về lại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai

Theo đó, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai bao gồm 2 phân vùng: Ô Lâu, Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nằm trong ranh giới hành chính của 23 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Tổng diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai là 2.071,5 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè – Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha).

Vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai bao gồm toàn bộ diện tích đất mặt nước xung quanh đầm phá, tiếp giáp với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái là 17.945 ha. Vùng sinh cảnh liên kết của khu bảo tồn có diện tích là 69.684 ha bao gồm diện tích theo địa giới hành chính của 33 xã xung quanh đầm phá.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong việc bảo tồn, khai thác, phát triển đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; đánh dấu sự hợp tác thành công tiếp theo giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình đồng hành nghiên cứu, định hướng khai thác, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên.

Thừa Thiên – Huế: Công bố thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thiên Định phát biểu tại buổi lễ

Theo ông Định, Tam Giang - Cầu Hai là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng, chứa trong mình vùng đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn.

Hệ sinh thái Tam Giang - Cầu Hai có sự hiện diện của 1.296 loài trong đó có 41 loài quý hiếm, gồm 295 loài thực vật phù du, 50 loài thực vật bậc cao, 73 loài rong và thực vật thủy sinh (bao gồm 7 loài cỏ biển), 119 loài động vật phù du, 215 loài động vật đáy, 361 loài cá và 137 loài chim. Trong đó, có nhiều loài động vật có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ quốc tế của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Là nơi tập trung chim nước di cư với số lượng trên 2 vạn cá thể vào mùa đông. Là nơi cung cấp nguồn sinh kế chính cho khoảng 500 ngàn người sống trong 44 xã thuộc 5 huyện, thị xã xung quanh đầm phá…

Với ý nghĩa đó, Tam Giang – Cầu Hai không chỉ có giá trị cao về tài nguyên, đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, có vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai được thành lập với các mục tiêu quan trọng về bảo tồn, phục hồi được sinh cảnh, các hệ sinh thái đặc thù, quan trọng, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Việc công bố này, diễn ra đúng vào ngày 05/6 - ngày Môi trường Thế giới; "Tháng hành động vì Môi trường" cũng là dịp để chúng tôi gửi đến cộng đồng trong nước và thế giới thông điệp về quyết tâm khẳng định cam kết theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của chính quyền, nhân dân Thừa Thiên - Huế.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP tại Việt Nam cho biết, đây là Khu bảo tồn đất ngập nước thứ hai tại Việt Nam, sau Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy được thành lập năm 2019 tại tỉnh Thái Bình.

Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa vào ngày 5/6/2020, đánh dấu lễ kỷ niệm toàn cầu Ngày Môi trường thế giới, với chủ đề "Thời gian dành cho thiên nhiên". Sự kiện này nhằm kêu gọi sự đánh giá cao vai trò sống còn của tự nhiên trong việc cung cấp hạ tầng thiết yếu hỗ trợ sự sống trên Trái đất và sự phát triển của con người.

Bà Caitlin Wiesen cũng cho rằng, việc đồng quản lý các Khu bảo tồn và tài nguyên thiên nhiên cùng các cộng đồng địa phương sẽ giúp gia tăng tinh thần sở hữu của người dân và đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của họ.

Cần huy động nguồn tài chính bền vững cho đa dạng sinh học, bởi ngân sách nhà nước không đủ để bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả. sự tinh giản, thiết lập và cải cách thể chế là cần thiết nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học. Điều này đòi hỏi các chức năng bảo tồn và sản xuất phải được tách biệt để tránh xung đột lợi ích và nâng cao hiệu quả. 

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh