THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:53

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm trong quá trình CPH doanh nghiệp Nhà nước

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra nhiều bất cập trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua, đồng thời yêu cầu xử nghiêm sai phạm. Theo Thủ tướng, tiến độ cổ phần hóa (CPH) hiện nay đang chậm, đặc biệt có TP HCM và Hà Nội là các địa phương chưa CPH được doanh nghiệp (DN) nào trong năm 2018, mặc dù số lượng đăng ký là rất lớn. Việc chậm CPH phải kiểm điểm nghiêm túc. Cả nước đang thực hiện lộ trình CPH, mình không thể không làm được. Tuy nhiên, không phải làm ào ào, mà phải thận trọng, có phương án rõ ràng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng về các vụ việc CPH Hãng phim truyện Việt Nam hay Cảng Quy Nhơn (Bình Định) có nhiều vi phạm. "Cảng Quy Nhơn lớn như vậy, bán một cảng lớn mà như cho không" - Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị phải xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến việc CPH nêu trên để lập lại kỷ cương.

Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng "sân sau" gây ảnh hưởng đến hoạt động của DNNN, công tác CPH, thoái vốn. Theo Thủ tướng, việc chấp hành kỷ cương, chỉ đạo của cấp trên tại các DNNN chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó còn tư tưởng e ngại cổ phần hóa, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH. Tư tưởng yên vị kìm hãm tiến độ đổi mới, lợi ích nhóm, tham nhũng vẫn còn tồn tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra việc tham nhũng tiêu cực, một số lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty bị khởi tố thời gian qua đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của các đơn vị. Tuy nhiên, Thủ tướng đặc biệt lưu ý sau những vụ việc này, nhiều DN không tập trung vào sản xuất kinh doanh mà chỉ "bàn tán chuyện cũ, đối phó, lo lắng và sợ trách nhiệm".

"Nếu địa phương có chuyện gì đó mà dừng lại mọi việc thì sẽ bị tụt hậu. Tập đoàn hay Tổng Công ty có lãnh đạo bị khởi tố mà không chấn chỉnh để vươn lên thì sẽ rớt đà trong chiều hướng phát triển", Thủ tướng lưu ý.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quan điểm về DNNN: “Chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, các địa bàn quan trọng, liên quan tới quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực thiết yếu mà tư nhân không làm, không muốn làm và thoái vốn tại các DNNN đang làm ăn hiệu quả”.

Đánh giá về kết quả cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết có nhiều kết quả tích cực khi giá trị thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 gấp 2,5 lần thực hiện từ 2011 - 2015, hiệu quả hoạt động của DNNN tiếp tục tăng lên, tổng tài sản tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 4%, nộp NSNN là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016... Trong 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm. 106 DNNN sau cổ phần hoá niêm yết.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) Nguyễn Đình Cung đánh giá, thời gian qua, DNNN đã không còn ưu đãi riêng, không còn tình trạng chỉ đạo, chỉ định vay vốn. Nhà nước cũng không cấp vốn để xử lý các doanh nghiệp thua lỗ mà áp dụng nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên tình trạng DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, rất gò bó, ràng buộc và không để cho DNNN hoạt động theo thị trường.

“Phổ biến là không được tuyển dụng, sử dụng, trả lương cho cán bộ, người lao động theo nguyên tắc thị trường. Mỗi khi có ông nào đấy ở DNNN được trả 1 tỉ đồng, 1,5 tỉ đồng thì cả xã hội xôn xao. Vấn đề là những người này không phải họ nhận được bao nhiêu tiền mà quan trọng là họ làm ra bao nhiêu tiền”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Về CPH, thoái vốn, TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận: "Vừa rồi đã làm rất tốt và nên tiếp tục củng cố xu hướng thiên về chất lượng CPH, không chạy theo số lượng. CPH như cơ cấu lại danh mục đầu tư của nhà nước và phải chuyển đổi được từ tài sản kém, chưa tốt thành tài sản tốt; từ tài sản tốt thành tài sản tốt hơn; đừng làm theo xu hướng ngược lại. Như vậy mới củng cố được nền tảng và sức mạnh của khu vực DNNN nói riêng và khu vực nhà nước nói chung”, ông Cung nói.

Về quản trị công ty, ông Cung lưu ý phải tập trung đầu tiên vào tháo bỏ những ràng buộc để DNNN có quyền tự chủ kinh doanh. Tự chủ ở đây là tự chủ quyết định ngành nghề kinh doanh, còn làm thế nào để người điều hành quyết định. Thời gian qua đã hành chính hóa rất nhiều trong việc ra quyết định đầu tư và kinh doanh, hành chính hóa động lực của DNNN.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh