Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
- Tây Y
- 16:12 - 05/09/2019
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng tích cực. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên. Tăng trưởng GDP cả năm hoàn toàn có thể đạt cận cao trong mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 (6,6-6,8%).
Thu ngân sách nhà nước đạt khá, các khoản thu nội địa đạt khá, cao hơn mức bình quân chung (thu ngân sách Trung ương đạt 66% dự toán, thu từ dầu thô đạt 81,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 74,6%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ; tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Một số dự án năng lượng, kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ; nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm. Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn chưa cải thiện nhiều.
Cần có "đổi mới 2"
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2019, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kịp thời có đối sách phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chung sức đồng lòng cùng cả nước, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 2016 – 2020.
Thủ tướng nêu rõ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, "đổi mới 1" đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có "đổi mới 2" với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị, xã hội. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách pháp luật thông thoáng, thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
"Nếu chúng ta không làm thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ này thì chúng ta thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh ta, chưa nói đến thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tập trung cao độ cho công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng được người đứng đầu Chính phủ coi là yêu cầu bắt buộc.
"Các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều nhận định, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới thì mới có thể cạnh tranh, thu hút được các nguồn lực từ công nghệ, trình độ quản trị hiện đại đến vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đủ lớn để phát triển vượt lên, thu hẹp khoảng cách và bắt kịp những bước đi trước trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống
Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ trong chỉ đạo, điều hành. Vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các công cụ, giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các gói kích thích kinh tế.
Cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Cần chủ động đón các tập đoàn công nghệ muốn vào Việt Nam.
Về các giải pháp cụ thể, với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị các nội dung cần thiết để tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 9, điều chuyển vốn các công ty, các bộ, địa phương không sử dụng hết vốn và có chế tài nghiêm khắc về vấn đề này.
Trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, theo sát các biến động thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế để có đối sách phù hợp, kịp thời.
Thủ tướng cũng yêu cầu cần có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tránh tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước…
Về giao thông vận tải, Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng giải ngân thấp, cần đẩy nhanh tiến độ, có giải pháp chủ động hơn, trong đó có việc xử lý dứt điểm vấn đề dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, yêu cầu từ người đứng đầu Chính phủ là các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao theo dõi, cập nhật thông tin, phân tích và dự báo đúng tình hình; thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia; đề xuất các giải pháp chủ động ứng phó, xử lý chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả các vấn đề trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.