THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Lễ Quốc khánh độc và lạ trên thế giới

Ngày 4/7 ở Mỹ

Đối với người dân Mỹ, ngày Quốc khánh 4/7 hàng năm trở nên đặc biệt hơn những ngày khác khi rực rỡ với những màn bắn pháo hoa tuyệt đẹp. Ngày 4/7 cũng là ngày lễ diễn ra lễ hội xúc xích lớn nhất trong năm ở xứ cờ hoa. Trong ngày đặc biệt này, các màn trình diễn pháo hoa, lễ diễu hành, lễ hội carnival, các hội chợ, buổi hòa nhạc, các trận thi đấu thể thao, các chương trình đối thoại chính trị… sẽ được tổ chức ở các bang trên đất Mỹ.

Trong ngày Quốc khánh, người dân Mỹ thường tổ chức những buổi dã ngoại gia đình, tiệc nướng ngoài trời thể hiện truyền thống tự do dân chủ của đất nước. Vào ngày này, thường có các cuộc thi ăn dưa hấu hay xúc xích, các sự kiện thể thao như bóng chày, đua chạy ba chân, bơi lội và kéo co.

Trong ngày lễ Quốc khánh ở Mỹ không thể nào thiếu sự có mặt của chiếc bánh nướng nhân ngọt. Bánh ngọt được làm từ những nguyên liệu dễ tìm như: trái dâu tây, các loại quả mọng và việt quất. Chúng được hòa quyện với nhau tạo nên một chiếc bánh nướng nhân ngọt đẹp mắt và ngon miệng, đặc biệt chúng được làm theo giống màu sắc lá cờ nước Mỹ.

Lễ Quốc Khánh độc và lạ trên thế giới - Ảnh 1.

Người dân Mỹ kỷ niệm ngày Quốc khánh.

Ngày 14/7 ở Pháp

Ngày Quốc khánh 14/7 là một ngày quan trọng đối với người dân nước Pháp. Sau chiến thắng ngục Bastille ngày 14/7/1789 được lấy làm Quốc khánh Pháp. Lễ kỷ niệm Quốc khánh thường được bắt đầu ở thủ đô Paris với cuộc duyệt binh hoành tráng được tổ chức kèm theo đó là màn trình diễn ấn tượng của 9 máy bay thuộc lực lượng không quân Pháp, với dải khói mang ba màu xanh, trắng, đỏ của quốc kỳ Pháp tạo nên khung cảnh hoành tráng trên Đại lộ Champs-Élysées. Tại những nơi khác trên toàn nước Pháp, người dân sẽ kỉ niệm bằng những màn bắn pháo hoa riêng và cùng hàng loạt buổi tiệc tùng. Vào tối 14/7, người dân Pháp sẽ được chứng kiến màn bắn pháo hoa kéo dài ở Tháp Eiffel.

Trong ngày Quốc khánh còn có những hoạt động độc đáo chẳng hạn giải đua xe đạp danh tiếng Tour de France thường bắt đầu trong dịp này để những tay đua người Pháp có tinh thần hăng hái hơn dành chiến thắng ngay trên chính quê hương mình. Bên cạnh đó, trong ngày Quốc khánh các nhân viên cứu hỏa có truyền thống tổ chức tiệc khiêu vũ.

Công dân Pháp cũng kỷ niệm ngày quốc khánh ở khắp nơi trên thế giới, với lời chúc mừng chung cho ngày này là "Ngày 14-7 muôn năm".

Ngày 26/1 ở Úc

Ngày Quốc khánh của xứ sở chuột túi không phải là ngày giành độc lập từ tay ngoại bang như nhiều quốc gia khác mà lại là ngày người Anh đầu tiên định cư tại đây 26/1/1788. Trong ngày nay, người dân tham gia các hoạt động ngoài trời đặc sắc, vui nhộn như đua thuyền, lướt ván, xem bắn pháo hoa... vô cùng náo nhiệt.

Nước Úc luôn yêu thích tiệc tùng, và ít có dịp nào lớn và hoành tráng như Quốc khánh Úc vào ngày 26/ 1. Người Úc thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp tham gia vào những lễ mừng chính thức và không chính thức trên khắp các bãi biển, sân sau và công viên. Ở Sydney, những đám đông vẫy cờ tập trung về Cảng Sydney biểu tượng để tham gia một chương trình với hàng loạt các sự kiện. Có một buổi lễ kỷ niệm kiểu truyền thống thổ dân tại Vườn Bách Thảo Hoàng Gia, một tiệc barbecue khổng lồ tại Hyde Park, và trình diễn âm nhạc Úc tại "the Rocks".

Chiếc bánh hấp dẫn Lamington không chỉ là một món ăn đặc sắc của ẩm thực Úc mà người ta còn dùng chúng để ăn mừng Quốc Khánh. Bánh Lamington được làm từ những nguyên liệu đơn giản như cốt là gateaux, xen kẽ mứt trái cây. Nhờ phủ đều bởi lớp chocolate làm đông cùng với dừa khô mà Lamington trông rất tinh tế và kích thích.

Ngày 1/7 ở Canada

Như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Quốc khánh là ngày nghỉ lễ lớn của Canada và được tổ chức trang trọng tại tất cả các tỉnh và vùng lãnh thổ trên toàn quốc. Trong ngày này diễn ra rất nhiều hoạt động chào mừng như diễu hành, hòa nhạc, lễ hội, bắn pháo hoa và lễ nhập quốc tịch cho các công dân mới.

Vào ngày Quốc khánh, tại nhà Quốc hội ở thủ đô Ottawa thường diễn ra mít-tinh lớn với sự tham gia của rất nhiều người dân và du khách. Hầu hết mọi người đều mặc trang phục hai màu đỏ và trắng theo mầu quốc kỳ để tham gia các hoạt động kỷ niệm và hát vang bài quốc ca "O Canada".

Ngày 16/9 ở Mexico

Quốc khánh Mexico là ngày 16/9. Lễ kỷ niệm luôn diễn ra sớm vào 11h đêm ngày 15/9 khi Tổng thống Mexico rung hồi chuông tự do lịch sử và hô vang "Mexicanos, Viva Mexico" ở Cung điện Quốc gia. Người dân tụ tập trước cung điện, hay quảng trường Zocalo để cùng nhau đón Tết Độc Lập trong không khí hào hùng, tự hào.

Trong ngày 16/9, thường có các trận đấu bò tót, cuộc diễu hành hay biểu diễn múa truyền thống Mexico. Tâm điểm của lễ kỷ niệm diễn ra ở Zocalo, quảng trường chính ở thủ đô Mexico. Trong suốt tháng 9 (gọi là tháng của dân tộc – "Mes de la Patria), các nhà hàng trên khắp đất nước sẽ ưu tiên phục vị món ăn truyền thống của Mexico.

Với vẻ ngoài tinh tế và được trang trí cầu kì, Chiles En Nogada là một món ăn truyền thống của người dân Mexico trong ngày Quốc khánh. Chúng bao gồm một quả ớt Poblano được nhồi cùng hỗn hợp thịt vụn, trái cây và gia vị. Nhưng điểm nổi bật mà Chiles En Nogada mang đến là phần sốt kem óc chó phủ đều bên trên cùng với hạt lựu điểm tô thêm sắc đỏ. Cách trang trí của món ăn này mô phỏng theo ba màu trên lá cờ Mexico: màu xanh lá từ ớt, trắng từ kem và màu đỏ từ hạt lựu.


Ngày 15/8 ở Ấn Độ

Vào ngày này, khi bầu trời của đất nước bên dòng sông Hằng huyền bí rực rỡ sắc màu của những con diều là khi người dân Ấn Độ kỷ niệm ngày kết thúc chế độ thuộc địa Anh. Thủ tướng có bài phát biểu ở Pháo Đài Đỏ, New Delhi nơi từng là trụ sở của quân đội Anh. Vào ngày nay, người lớn và trẻ em cùng làm diều, thả lên trời và cố gắng hạ diều đối phương xuống mặt đất.

Để kỉ niệm ngày thoát khỏi ách thống trị của Anh, ngày 15/ 8, người Ấn Độ đã tạo ra nhiều món ăn có ba màu trắng, cam và xanh lá tương tự như quốc kì của họ. Trong đó, phổ biến nhất là Tiranga Pulao, cơm thập cẩm được làm từ gạo Basmati. Người ta nấu cơm cùng cà rốt, rau mùi để tạo màu sắc tự nhiên cho món ăn. Khi thưởng thức Tiranga Pulao có thể ăn kèm cùng hạt điều xắt nhỏ hoặc trái cây khô.

Ngày 11/2 ở Nhật Bản

Cùng năm 1946, Ngày lập quốc được tái thiết lập, vẫn giữ nguyên là ngày 11/2 hằng năm. Trong ngày này người dân xứ sở hoa anh đào chào đón bằng những lễ hội được tổ chức long trọng. Bên cạnh đó là các đoàn diễu hành tổ chức meeting chào mừng. Trong ngày này, mọi người sẽ phất cờ Nhật không chỉ nhằm kỉ niệm ngày nước Nhật ra đời à còn mang ý nghĩa dân tộc Nhật Bản đoàn kết một khối, và cùng nhau xây dựng đấy nước, thay cho chủ nghĩa dân tộc.

Những món mà người dân Nhật Bản thường dùng để chúc mừng kỉ niệm ngày Độc Lập của đất nước là món: gà rán katsu, cá hồi cháy chảo, thịt lợn xiêng nướng, kem trà xanh, mì chiên giòn với rau củ.

Ngày 28/7 ở Reru

Peru kỷ niệm ngày Quốc khánh vào đêm hôm trước với đêm nhạc dân tộc và nhạc của người Creole. Vào đến bình minh ngày 28/7, ngày kỷ niệm đặc biệt bắt đầu bằng 21 phát súng đại bác, tiếp theo đó người Peru có 3 lễ hội lấy nền tảng là văn hóa Creole: chọi gà, đấu bò và triển lãm ngựa.

Ngày 17/8 ở Indonesia

Vào ngày Độc lập 17/8, thủ đô Jakarta sẽ ngập trong sắc quốc kỳ trắng đỏ. Nhiều trận đấu thể thao giao hữu được tổ chức, bao gồm cả cuộc thi ăn Krupuk (bánh phồng tôm), balap karung (nhảy bao bố). Trong đó ấn tượng là trò panjat pinang, thi trèo lên thân cây cọ đã bôi đầy đất sét và dầu để giành giải thưởng được treo trên ngọn cây, thường là một chiếc xe đạp hoặc tivi. Người Indonesia thường dọn dẹp, sơn mới, sửa sang khu phố trong dịp này.

Ngày 1/1 ở Haiti

Ngày Độc Lập của Haiti rơi vào ngày đầu năm 1 tháng 1 nên họ đã nấu Soup Joumou để cùng nhau ăn mừng hai dịp quan trọng này. Đây là một loại súp với thành phần chính là bí ngô và thịt bò. Tuy nhiên, điều hấp dẫn là chúng được nấu cùng với hơn 10 loại rau củ khác nhau như cà rốt, củ cải, tỏi tây, khoai tây, cần tây, bắp cải, ớt chuông... để tạo nên một tổng thể hương vị độc đáo và đặc sắc. Ngoài ra, mì ống cũng có thể được cho vào để thưởng thức như một bữa ăn chính tại Haiti.

Ngày 31/8 ở Malaysia

Vào ngày 31 tháng 8 hàng năm, để kỉ niệm sự kiện Malaysia lật đổ được Anh, người dân nơi đây đã ăn mừng cùng với món cơm truyền thống mang tên Nasi Lemak. Gạo được nấu trong sữa dừa cùng với lá dứa, gừng và sả nên mang một mùi thơm dễ chịu cùng với độ béo ngọt hấp dẫn. Chúng được ăn kèm cùng với khô cá, trứng, sốt sambal và đậu phộng. Sự hòa quyện những thành phần này cùng nhau đã tạo nên hương vị đậm đà và phong phú cho Nasi Lemak.

Ngày 1/8 ở Thụy Sĩ

Với hầu hết mọi người dân Thuỵ Sĩ, ngày Quốc khánh đồng nghĩa với pháo hoa, tiệc nướng ngoài trời và brunch – bữa sáng muộn. Đi dọc theo các con phố, du khách có thể thấy trẻ nhỏ diễu hành với đèn lồng giấy và người người nhà nhà đốt nên ở cửa sổ nhà họ. Người Thuỵ Sĩ kỷ niệm ngày Quốc khánh với sự hân hoan xum họp với bạn bè, gia đình, người thân xung quanh các khóm lửa trại ở khu vực công cộng để nghe bài phát biểu về năm 1291 – năm khởi đầu của Liên bang Thuỵ Sĩ.

Lễ Quốc Khánh độc và lạ trên thế giới - Ảnh 3.

Vẻ thanh bình của Lucern - Thụy Sĩ.

Vào ngày này, hàng ngàn người tham dự ngày hội ở các thành phố lớn như Zurich, Basel, Geneva, Bern và Lugano. Lễ kỷ niệm chính thường được tổ chức tại Thác nước Rhine gần với Schaffhausen và tại Đồng cỏ Ruetli dọc theo dòng sông Lucerne. Là một "thủ phủ bánh mì" nên Thụy Sĩ đã chọn chiếc bánh mang tên August Weggli để kỉ niệm ngày Quốc Khánh (1/8) của nước này. Bánh được làm bằng bột mì trộn cùng bơ trứng và sữa. Với hình dáng tròn, bốn góc nhô lên đáng yêu, chiếc bánh nướng được bày bán khắp các cửa hàng để người dân tổ chức lễ. Bên trên mỗi chiếc bánh sẽ được đính kèm một lá cờ Thụy Sĩ nhỏ như thể hiện niềm tự hào dân tộc.


Minh Châu (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh