CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:03

Thủ tướng yêu cầu trả hết văn bản nợ đọng trước 15/9

Tính đến ngày 15/7/2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 13 bộ, cơ quan ngang bộ còn để chậm ban hành 105 văn bản.

Đó là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. 

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 15/7/2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 13 bộ, cơ quan ngang bộ còn để chậm ban hành 105 văn bản, bao gồm 38 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 52 thông tư và 13 thông tư liên tịch, quy định chi tiết đối với 27 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, chiếm 67% số lượng văn bản phải ban hành.

Riêng đối với 10 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, đến nay mới chỉ ban hành được 10 văn bản, gồm 3 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 5 thông tư, trong tổng số 59 văn bản phải ban hành.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành văn bản như vậy là “rất chậm”, số văn bản chưa được ban hành còn rất lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. 

Nguyên nhân chủ yếu là do Thủ trưởng các bộ, ngành chưa quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc soạn thảo, ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành văn bản; thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành dẫn đến không hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo sâu sát việc soạn thảo, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Từng bộ, cơ quan phải có kế hoạch cụ thể, phân công và xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân, có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm minh, kịp thời đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân để xẩy ra tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.

Thủ tướng nêu rõ, trước ngày 15/9/2015 các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền số văn bản nợ đọng thuộc trách nhiệm của từng bộ, cơ quan.

Đặc biệt, các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng 23 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật hộ tịch, Luật bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật căn cước công dân sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016 để trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay, Thủ tướng không xem xét, cho phép lùi tiến độ trình ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Đối với những dự thảo văn bản đã được các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ, Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ tập trung ưu tiên thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành. 

Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện văn bản; không nhất thiết dự thảo văn bản nào cũng phải lấy ý kiến phối hợp bằng văn bản của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh