Thủ tướng yêu cầu khởi tố điều tra vụ 'cà phê trộn lõi pin'
- Huyệt vị
- 23:11 - 23/04/2018
Xử nghiêm hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam cơ bản tốt nên mới xuất khẩu được như vậy. Tuy nhiên còn đâu đó tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Nhắc đến vụ “cà phê trộn lõi pin”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khởi tố điều tra làm rõ vụ việc.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu xử nghiêm các vụ việc tôm bơm tạp chất. Thủ tướng nhấn mạnh phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, chứ không phải chỉ chú ý đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường phải vươn ra, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm được thị trường quốc tế.
“Chiếm lĩnh được thị trường cũng là con đường để nền kinh tế Việt Nam chúng ta cất cánh”, Thủ tướng nói. Cho rằng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng vô cùng quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhưng quan trọng nhất để tăng trưởng, để phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị.
Thủ tướng cũng lưu ý, một nước không cân bằng được xuất nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao mà lạm phát cao thì kinh tế bấp bênh, đời sống người dân khó khăn. Do đó, cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về quy mô, lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. So với quy mô xuất khẩu năm 2011 (96,9 tỷ USD), thời điểm bắt đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, xuất khẩu sau 7 năm đã bằng 2,21 lần. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, đặc biệt là đối với nhóm hàng công nghiệp. Năm 2017, thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp (35,8 tỷ USD), thị trường EU chiếm 17,6%; tổng cộng 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm gần 30%.
Ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ trở lại
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nguy cơ của một cuộc chiến thương mại. Xu hướng bảo hộ gia tăng, nhất là những tháng đầu năm 2018, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu. Các nước nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn.
“Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào này để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”, Thủ tướng khẳng định.
Tại Hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, Thủ tướng nhắc đến những vụ việc nổi cộm như “cà phê pin”, thuốc ung thư bằng than tre, tôm bơm tạp chất…
Nhận định tình hình xuất khẩu thời gian tới, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng vạch ra không ít khó khăn, nổi lên là sự quay trở lại của “chủ nghĩa bảo hộ”.
Theo Bộ Công thương, thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018”, Bộ Công thương cảnh báo.
Dấu hiệu là, theo Bộ Công thương, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Hoa Kỳ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được Hoa Kỳ công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôn xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức.
Để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, những biện pháp bảo hộ quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế, gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công thương đưa ra giải pháp là tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng.
Ngoài ra, hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các sắc thuế phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, vi phạm quy định của WTO. Trước mắt, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản giải quyết các tranh chấp với Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôm và cá tra Việt Nam.
“Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại”, Bộ Công thương đề ra giải pháp.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Huyệt Ưng song, vị trí huyệt Ưng song, tác dụng huyệt Ưng song, ung song
Huyệt Ưng song, vị trí huyệt Ưng song, tác dụng huyệt Ưng song, ung song, ungsong
7 tháng trước
Tin nên đọc