Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công nhân lao động có an cư mới lạc nghiệp
- Bài thuốc hay
- 14:47 - 01/02/2023
Ngày 1/2, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang điều hành hội nghị.
Ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan trọng, giúp hoạt động công đoàn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động (NLĐ). Thủ tướng mong muốn hai bên đánh giá một cách khách quan, trung thực kết quả thực hiện công tác phối hợp trong năm 2022, đưa ra nhiệm vụ giải pháp 2023 một cách thiết thực, hiệu quả.
Thủ tướng gợi mở, công tác phối hợp cần tập trung vào vấn đề bảo đảm việc làm, nâng cao tay nghề của NLĐ. Bên cạnh đó, đối với công nhân lao động, có an cư mới lạc nghiệp, vì vậy, cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất. Cùng với đó, bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của NLĐ…
“Trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa hai bên sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động; góp phần thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đào tạo nghề cho trên 37.000 người lao động có tay nghề
Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã phối hợp tuyên truyền, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; tập trung nắm chắc và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh trong công nhân, viên chức, lao động.
Năm 2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo toàn hệ thống Công đoàn tiếp tục quán triệt tinh thần không được lơ là, chủ quan trước mọi tình huống dịch bệnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Những tháng cuối năm 2022, khi xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều NLĐ bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống, Tổng Liên đoàn đã khảo sát, họp với công đoàn các địa phương bàn giải pháp cụ thể, vừa bảo đảm quyền lợi NLĐ, vừa ổn định tình hình quan hệ lao động.
“Ngày 16/12/2022, các bộ, ngành liên quan và Tổng Liên đoàn đã phối hợp tham mưu nội dung để Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn đã yêu cầu công đoàn các tỉnh, ngành chỉ đạo công đoàn cấp trên, Công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu lao động; tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp…”, ông Khang cho hay.
Để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngay từ tháng 10/2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch chăm lo Tết với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” với các hoạt động chủ yếu: Tổ chức thành công 22 Chương trình Chợ Tết Công đoàn; phối hợp tham mưu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đi thăm, chúc Tết và tặng gần 18 ngàn suất quà tới đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số tiền gần 23,7 tỷ đồng; chăm lo hỗ trợ cho hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng nguồn kinh phí là trên 5.185 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Công đoàn các tỉnh, ngành năm 2022, các cấp công đoàn đã mở lớp, phối hợp với các cơ quan liên quan mở 2.215 lớp, cử cán bộ tham gia huấn luyện, đào tạo kỹ năng cơ bản cho 402.900 đoàn viên, NLĐ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức công đoàn đã đào tạo nghề cho trên 37.000 NLĐ có tay nghề. Việc tổ chức dạy nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên và NLĐ đã có đóng góp tích cực vào việc ổn định thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động...