THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Môi trường là một trụ cột trong tam giác phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Sáng nay, 17/5 cùng với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh  cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển cho rằng (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo): nhận thức được tính chất phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực trong công tác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Với sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh  cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Kể từ khi thành lập đến nay, Ban chỉ đạo đã hoạt động tích cực, sát, thường xuyên tổ chức các cuộc họp để nắm tình hình thực tế tại cơ sở, kịp thời đưa ra các phương án, giải pháp để giải quyết xử lý triệt để các tình huống phát sinh. 

Ban chỉ đạo đã triển khai quyết liệt các giải pháp  nhằm giúp ổn định đời sống cho bà con nhân dân theo Quyết định số 772 và 1138 của Thủ tướng Chính phủ. Về lâu dài, Ban chỉ đạo đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”. Theo đó đã đưa ra nhiều nhóm công tác, công việc, nhiệm vụ mang tính đồng bộ, toàn diện nhằm khôi phục và ổn định lâu dài đời sống hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân; phục hồi hệ sinh thái một cách hiệu quả, bền vững.

 “Với sự chỉ đạo thống nhất và quyết liệt của Ban chỉ đạo, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương là thành viên của Ban chỉ đạo cũng như các cơ quan liên quan khác, đến nay Ban đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao; số kinh phí bồi thường đã đạt được mục tiêu đề ra. Các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp từ sự cố môi trường biển đã được đền bù đẩy đủ, các đối tượng bị ảnh hưởng cũng đã được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi. Người dân tiếp tục ra khơi sản xuất các nghề khai thác, từng bước chuyển các nghề khai thác vùng biển gần bờ ra vùng biển xa bờ. Số lượng tàu khai thác trên biển tăng trở lại số lượng bình thường. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 của 4 tỉnh miền Trung cao hơn so với năm 2016. Hoạt động kinh doanh thủy sản trở lại bình thường. Người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản. Đến nay, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung hoạt động trở lại bình thường,…”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.

Phó Thủ tướng đã biểu dương sự nỗ lực cảu các Bộ, ban, ngành, các địa phương là thành viên Ban chỉ đạo cũng như các cơ quan liên quan; biểu dương các vị chức sắc, giáo sĩ, cá nhân chân chính trong các tôn giáo đã ủng hộ Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, đã hướng dẫn cho tín đồ, giáo dân thực hiện tôn trọng pháp luật trong việc tham gia khắc phục sự cố môi trường biển, việc chi trả đền bù, hỗ trợ ngư dân, giữ gìn an ninh trật tự. "Một số đối tượng xấu lợi dụng sự cố để gây kích động, móc nối với các tổ chức phản động hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cũng đã xử lý quyết liệt, để bảm đảm an ninh trật tự xã hội. Nếu như các đối tượng này còn tiếp tục hoạt động kích động, gây rối chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh bằng pháp luật”, Phó thủ tướng thêm một lần khẳng định.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo Phó Thủ tướng, đây là bài học đắt giá trong công tác bảo vệ môi trường và cần giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm không có vùng cấm đối với các vụ vi phạm môi trường.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của các nhà khoa học, Ban chỉ đạo cũng như vai trò của lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Theo Thủ tướng, sự cố môi trường biển vừa qua là sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở đất nước ta, với 510 nghìn người dân chịu ảnh hưởng. Nó lại xảy ra đúng vào dịp bầu cử Quốc hội nên đã bị các đối tượng phản động lợi dụng nhằm phá hoại Đảng và Nhà nước; kích động, lôi kéo người dân gây mất trật tự xã hội. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, công tác xử lý vụ việc, khắc phục hậu quả, hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người bị ảnh hưởng cũng như khôi phục sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân được thực hiện tốt trong 2 năm qua với việc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Đặc biệt, qua thực tế thăm hỏi người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị vào ngày 16/5, Thủ tướng cho biết người dân rất phấn khởi, cuộc sống tốt và đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Ba thành công lớn nhất là người dân tin Đảng, chính quyền; người dân đoàn kết; và cán bộ trưởng thành hơn qua sự cố này.

Thủ tướng đến thăm, tặng quà cho các ngư dân tại vùng ven biển Phú Vang (Thừa Thiên Huế)

Tuy nhiên Thủ tướng cũng cho rằng công tác khắc phục sự cố môi trường biển vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác triển khai khắc phục kéo dài gần 2 năm là chậm hơn so với yêu cầu .Việc chi trả bồi thường cho người dân chậm hơn dự kiến và còn một số vướng mắc trong việc bồi thường hỗ trợ. Đến nay vẫn còn 0,9% kinh phí chưa giải ngân.

"Môi trường là một trụ cột trong tam giác phát triển, cùng với kinh tế, xã hội, chúng ta phải giữ. Tất cả các địa phương phải giữ gìn môi trường, đặc biệt môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam và 4 tỉnh miền Trung. Từ sự cố Formosa, chúng ta nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển của chúng ta. Phải làm tốt hơn, không được ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có giải pháp và đề xuất xử lý để đảm bảo môi trường của Việt Nam nói chung và môi trường biển được giữ gìn lâu dài. Chính vì thế mà các đồng chí đều có nguyện vọng không được để Formosa vi phạm lần thứ hai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà xem xét bố trí lắp đặt thêm các trạm quan trắc tự động và phải công khai minh bạch để người dân cùng giám sát.

Đối với các địa phương thì cần tiếp tục hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; hoàn thành hồ sơ thanh toán, quyết toán; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, học phí đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân vùng biển

Thủ tướng tin tưởng rằng, sau khi khắc phục được sự cố môi trường biển, kinh tế 4 tỉnh miền Trung sẽ thực sự phát triển vượt bậc, nhất là thế mạnh về kinh tế biển.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh