Môi trường biển đã được khôi phục sau sự cố Formosa
- Tây Y
- 22:30 - 17/05/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị
Sáng ngày 17/5, tại tỉnh Quảng Trị đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4/2016 tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản; ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510 nghìn người thuộc 130 nghìn hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã, phường, thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh nói trên.
Do sự cố môi trường biển lần đầu xảy ra với với quy mô ảnh hưởng rộng và tính chất nghiêm trọng trong bối cảnh chưa xác định được nguyên nhân và đối tượng vi phạm. Một số thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc tình hình, kích động gây rồi làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, môi trường đầu tư và gây khó khăn trong công tác xử lý, khắc phục sự cố môi trường.
Với quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ ngành trung ương, địa phương quyết liệt, đồng bộ vào cuộc để sơm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố; ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ người dân ổn định đời sống; chỉ đạo khôi phục sản xuất, môi trường. Ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Nhiều biện pháp khắc phục sự cố môi trường, khôi phục sản xuất và giúp ổn định đời sống người dân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành trung ương chỉ đạo thực hiện, phói hợp thực hiện một cách quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời.
Đối với các địa phương bị ảnh hưởng, Tỉnh ủy, HĐND và hệ thống chính trị các cấp đã tập trung cao nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện công tác xử lý môi trường biển. UBND các tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng thu gom, xử lý hải sản chết và tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường, giám sát an toàn thực phẩm; phân bổ gạo hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp, đảm bảo không để nhân dân bị thiếu đói và tạm ứng ngân sách để hỗ trợ các gia đình, người lao động ặp khó khăn. Công tác kê khai, thẩm tra, xét duyệt, thẩm định đối tượng, nhu cầu kinh phí, tổ chức bồi thường hỗ trợ về cơ bản đã được các địa phương thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng thẩm quyền; danh sách các đối tượng bị thiệt hại được niêm yết công khai tại trụ sở/xóm, xã/phường/thị trấn để nhân dân kiểm tra, giám sát và đối chiếu.
Công tác an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh đang tiếp tục được triển khai tích cực.
Theo đó, Bộ Tài chính đã xuất cấp tổng kinh phí hỗ trợ gạo và hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền cho 4 tỉnh là 282,36 tỷ đồng; đã tạm cấp (5 lần) kinh phí cho 4 tỉnh thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại với số tiền 6.969 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/5, tổng kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại là 6.516 tỷ đồng. Kết quả chi trả cho các đối tượng bị thiệt hại là 6.428,9 tỷ đồng, tương đương 98,7% so với số đã phê duyệt.
Công tác khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; công tác kiểm soát môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự xã hội được các Bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời.
Sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển, nguồn lợi thủy hải sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: sau hơn 2 năm thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường biển, nhìn chung công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại cơ bản đã hoàn thành, công tác quản lý, giám sát môi trường được nâng cao. Môi trường biển đã an toàn; hải sản đã đảm bảo an toàn thực phẩm. Hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy hải sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi. hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường; người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản. Các chính sách hỗ trợ người dân về bảo đảm an sinh xã hội, như: chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí, đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm đã được triển khai kịp thời và có hiệu quả cao. Qua đó góp phần giúp người dân 4 tỉnh miền Trung ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, những địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển cần tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho các đối tượng còn tồn đọng; hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, chứng từ thanh toán, quyết toán các khoản đã chi trả; tiếp tục thực hiện câc chính sách về an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án: đầu tư hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ sản xuất cho vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản; xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường. Mặt khác, cần tổ chức tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được đồng thời rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện.
Các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhân dân, đẩy mạnh công tác dân vận, kịp thời thông tin định hướng dư luận, phản bác luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và thực hiện các biện pháp đảm bảo, giữ vững an ninh, trật tự xã hội. Triển khai các biện pháp để kiểm soát môi trường, không để phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình đánh bắt hải sản tại cảng Cửa Việt (H. Gio Linh, Quảng Trị)
Trước đó, vào chiều ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế tình hình khắc phục sự cố môi trưởng biển, phát triển sản xuất và thăm, động viên người dân vùng ven biển Thuận An (H. Phú Vang, Thừa Thiên Huế), Cửa Việt (H. Gio Linh, Quảng Trị).