Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: GDP tăng 6,41%, an sinh xã hội được đảm bảo
- Tây Y
- 22:13 - 23/10/2017
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm.
Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Tập trung chống thất thu NSNN, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - NSNN được tăng cường; từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 (ngày 20/10/2017 đạt 826,84 điểm); mức vốn hóa đạt trên 93% GDP; đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%; nhập khẩu tăng 22,7%; xuất siêu 328 triệu USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.
Trong 9 tháng có gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 - 2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), trong đó thủy sản tăng cao 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu; cắt giảm điều kiện kinh doanh; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân...
“Trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực, an sinh xã hội được đảm bảo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trong 9 tháng tạo việc làm cho 1,24 triệu người, tăng 3,48%, trong đó đưa gần 93 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, đến nay còn 2,21%. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Xuất cấp gần 71 nghìn tấn gạo cứu trợ đột xuất và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.
Xây dựng, trình Trung ương các Đề án về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; phát triển y học dân tộc, dược liệu. Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 10 bệnh viện mới với quy mô gần 5.500 giường. Đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tỷ lệ bao phủ đạt 83%. Tiếp tục kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội, giám định thanh toán bảo hiểm y tế. Đấu thầu mua thuốc tập trung, từng bước giảm giá thuốc. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và đạt kết quả bước đầu thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành tại một số địa phương.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm nghiêm túc, an toàn, thuận lợi, giảm áp lực và chi phí; 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao. Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; triển khai một số dự án công nghệ cao quy mô lớn. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2017 tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia, vùng lãnh thổ, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh vai trò đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được chấn chỉnh. Thể dục thể thao có bước tiến bộ; Công tác người cao tuổi, gia đình, trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ và chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm chỉ đạo. Cai nghiện ma túy được đổi mới, tăng cường tự nguyện, mở rộng điều trị bằng thuốc thay thế.