Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai
- Tây Y
- 14:30 - 23/10/2017
Toàn cảnh Khai mạc Kỳ họp
Trong lời phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn do bão số 10 và đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương; đồng thời đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; tinh thần chủ động, sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong công tác phòng, chống bão, lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ tịch Quốc hội kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục ủng hộ về vật chất và tinh thần, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4, QH khoá XIV
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2017. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực, sáng tạo của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, cùng với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, nỗ lực của Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Chín tháng đầu năm, kinh tế nước ta tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; sản xuất, xuất khẩu, du lịch đang tiếp tục tăng trưởng. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục có bước chuyển biến. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên, đặc biệt với các sự kiện của Năm APEC Việt Nam 2017…
“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, dành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành trung ương Đảng, khóa XII; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tạo thế và lực cho năm 2018 và chặng đường phát triển tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong những tháng vừa qua, việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 đã được diễn ra tích cực, các dự thảo, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đúng chương trình. Cử tri, nhân dân cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp, với niềm tin tưởng sâu sắc và mong muốn Quốc hội sẽ làm tròn trách nhiệm trước Nhân nhân, trước đất nước.
“Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước”- Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Đây là kỳ họp cuối năm nên bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, Quốc hội còn tập trung thời gian cho việc thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các năm tiếp theo. Đồng thời tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự. Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông; Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ; Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (nếu không đề cập trong Nghị quyết khác của Quốc hội); Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, gồm: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 ”; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Báo cáo về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; Cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội cũng dành thời gian 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp, trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến bố trí 11 ngày trong tổng số 25,5 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp về 13 nội dung, trong đó có 2 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội đó là việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. |