THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:04

Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên

 

Đồng chủ trì có Thượng tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Điểu Kré- Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Êban Y Phu. Có trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cho các bộ ban ngành, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tham dự.

 

Toàn cảnh hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4/2017

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng 5 tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần này, để đánh giá thực trạng tình hình, nhận diện cơ hội và thách thức, chia sẻ tầm nhìn về chiến lược phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, những kết quả quan trọng đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên trong những năm qua đã đưa Tây Nguyên phát triển nhanh chóng, toàn diện, đời sống đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt, quốc phòng-an ninh ổn định, trong đó có đóng góp rất lớn của các nhà đầu tư, của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Đồng thời nhận thấy Tây Nguyên cũng là kho tàng văn hóa phi vật thể cùng điều kiện tự nhiên nên chính phủ quyết tâm cùng với Tây Nguyên đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới do Unesco công nhận. Nhiều người biết đến sử thi này thì sức lan tỏa của sử thi càng lớn. Hiếm có nơi nào trên thế giới được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu thổ nhưỡng, kết hợp độc đáo giữa văn hóa vật thể và phi vật thể như nơi đây.

"Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên được tổ chức lần này với mục đích thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững khu vực Tây Nguyên. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch đi vào chiều sâu, quy mô, thực chất. Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến thương mại, du lịch..."

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng bộ kế hoạch đầu tư cho rằng, trong những năm qua các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có nhiều nổ lực, quyết tâm đảm bảo ổn định các mặt về kinh tế - xã hội – an ninh quốc phòng và đã đạt được nhiều thành tựu cao. Diện mạo chung của cả vùng có nhiều bước khởi sắc, đặc biệt về mạng lưới giao thông đã có những tuyến đường như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14, Quốc lộ 27... được xem là huyết mạch. Những tuyến đường này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương của vùng mà còn kết nối với các vùng lân cận, đặc biệt là các khu vực ven biển Duyên hải Miền Trung.

“Trong những năm qua, tôi cho rằng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường tự nhiên đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Tây Nguyên là mảnh đất tiềm năng của các nhà đầu tư, nhưng hiện nay chưa được phát triển mạnh là do việc thu hút đầu tư nước ngoài còn rải rác. Hiện nay chúng ta cần phải biết nên làm gì làm thế nào để tận dụng các tiềm năng vốn có để đưa Tây Nguyên đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Để thực hiện được điều đó, Tây Nguyên cần phải có một tư duy, chiến lược, phương pháp và bước đi phù hợp, khác với trước đây và khác với các địa phương khác đã và đang làm. Kế hoạch này cần phải gắn liền với sự đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong quá trình đưa ra và thực hiện” - Bộ trưởng bộ kế hoạch đầu tư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên là mảnh đất Bazan màu mỡ, thuận lợi trồng những cây công nghiệp cao su, cà phê. Đây cũng là một điểm tựa phát triển cho Đông Nam Bộ, kể cả Tây Nam Bộ, đây là một vị trí rất lớn, là nóc nhà của ba nước Đông Dương. Những năm qua, 5 tỉnh Tây Nguyên có bước phát triển lớn, cuộc sống nhân dân tốt hơn, an ninh đảm bảo hơn.

“Nhưng với thái độ hết sức nghiêm túc chúng ta nhận thấy sau giải phóng chúng ta còn nhiều bấp cập. Chính vì vậy, cần phải khắc phục bất cập còn tồn tại từ việc để mất rừng, mất nguồn nước, đặc biệt tầng nước ngầm bị tụt sâu, môi trường sống xuất hiện nhiều bất cập, các nguồn lực chưa được khai thác đúng mức để nâng cao đời sống người dân. Thậm chí có người nói, Tây Nguyên như là buổi tiệc đã tàn canh, không còn là môi trường hấp dẫn, không còn chỗ để những nhà đầu tư hướng đến. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi và của chính phủ Việt Nam nhận định đó chưa thực sự đúng khi nói về Tây Nguyên. Có thể nói, Tây Nguyên của chúng ta như một cô gái đẹp không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại. Chính vì vậy, tôi muốn nêu kì vọng và tầm nhìn với vùng Tây Nguyên, vùng đất này phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về sinh học hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Đặc biệt, phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc và tính độc đáo riêng của vùng” - Thủ tướng nói.

Thượng tướng Tô Lâm cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng đạt gần 266 nghìn tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 11,33%, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân tăng từ 53,4% lên 69,28%. Đến nay có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 772,5 triệu USD.

Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư tăng 111,67% về số dự án và tăng 76,76% về vốn đăng ký. Qua đó góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ để kinh tế Tây Nguyên vươn lên, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước phát triển; hệ thống đường giao thông đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp, vừa liên kết năm tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông-Tây. Tại hội nghị này, các ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn cho 36 dự án trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với tổng nguồn hơn 29.000 tỷ đồng; UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng.

Trong chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, góc nhìn từ các nông dân tỷ phú”. Hội thảo đã giới thiệu những mô hình, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, nhất là những mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao và những gương tỷ phú nông dân để nhân rộng trong thời gian tới.

 

Tặng hoa các nhà đầu tư tại hội nghị.


LÊ NHUẬN-NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh