THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:08

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ vì màu áo xanh tuyệt vời!

Nhân dịp “ Tết Công nhân 2017”, sáng 22/4/2017, tại Cung thể thao Tuyên Sơn, TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ với hơn 2.000 công nhân lao động khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Cùng dự buổi gặp gỡ có Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, Ngành TW.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Phát biểu tại buổi gặp gỡ CNVC- LĐ Miền Trung. Ảnh: Giang Sơn

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng có cuộc gặp gỡ CNVC-LĐ khu vực Kinh tế trọng điểm Miền Trung để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tâm huyết của những công nhân trực tiếp lao động, những kiến nghị đề xuất của người lao động, các doanh nghiệp để kịp thời thao gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, nhằm mục đích tạo điều kiện tốt nhất, nâng cao đời sống, cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ, DN trong hoạt động, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Lãnh đạo các Bộ, Ngành tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Giang Sơn.

Anh Trần Ngọc Thành, công nhân Cty cổ phần công nghiệp nhựa Đà Nẵng hỏi: Thưa Thủ tướng, Công nhân mong muốn được nâng cao năng suất lao động, là điều kiện mang lại quyền lợi ổn định cho công nhân. Doanh nghiệp cần có chính sách động viên công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Cháu nghĩ như vậy có đúng không? Thủ tướng giúp cháu đề nghị doanh nghiệp tạo điều kiện để mong muốn của công nhân thành hiện thực

Anh Trần Ngọc Thành, đặt câu hỏi với Thủ tướng. Ảnh: Giang Sơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc, trả lời: Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế với các quốc gia, châu lục. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động cũng nhiều hơn, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác. Cạnh tranh về lao động sẽ gay gắt hơn, việc nâng cao trình độ, tay nghề của CNLĐ là hết sức thiết thực và cấp thiết.

Các cấp CĐ đã đẩy mạnh chương trình "Nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động" gắn với Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách ưu tiên cho việc dạy nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải có chính sách đào tạo riêng - đó là sự sống còn của DN. Con người là nguồn lực quan trọng. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách tác động và hỗ trợ.

Về phía các bạn công nhân, mỗi người cũng phải đối diện với quy luật cạnh tranh, có nghĩa đều phải cố gắng không ngừng để giỏi hơn, có ích hơn thì mình sẽ tồn tại.

Trong thời gian tới, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, tổ chức Công đoàn, các DN phối hợp với các cấp, các cơ quan chức năng để có thể triển khai các chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân học để nâng cao chuyên môn, tay nghề; công nhân có nhu cầu nâng cao tay nghề để đảm bảo công việc và được tăng lương...

Anh Nguyễn Đình Quyết - Công nhân Cty Cổ phần nhựa miền Trung đặt câu hỏi: Để công nhân có việc làm bền vững, xin Thủ tướng xem xét việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp dành một khoản chi cho đào tạo dài hạn, chuẩn hóa nghề nghiệp cho công nhân?

Anh Nguyễn Đình Quyết đặt câu hỏi với Thủ tướng.

Thủ tướng trả lời: Hiện nay Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tồn dư lớn, chủ yếu là do Quỹ mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp. Hiện mới có khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN để học nghề, chuyển đổi nghề, chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Trong khi đó theo quy định của Luật Việc làm thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được dùng để chi trả: (1)Trợ cấp thất nghiệp. (2) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. (3) Hỗ trợ Học nghề. (4) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Mặt khác, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ cũng đã chỉ rõ cần “Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao” .

Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN. Các cấp công đoàn cần có đề án cụ thể để sử dụng hiệu quả phần kinh phí này cho đào tạo, buồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân lao động.

Chị Phan Thị Tuyết Sương - công nhân Cty TNHH Điện tử Foster (Quảng Nam) phát biểu: Công nhân chúng tôi đang rất phấn khởi trước thông tin Thủ tướng đã phê duyệt Đề án về xây dựng các Thiết chế công đoàn. Công nhân mong ước điều này sẽ sớm thành hiện thực.

Thủ tướng đã xuống tận nơi nói chuyện với chị Phan Thị Tuyết Sương. Ảnh: Giang Sơn.

Thủ tướng trả lời: Tôi được báo cáo hiện trong số 2,7 triệu lao động của 344 KCN-CX trên cả nước thì có 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng. Vấn đề đặt ra là nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế hỗ trợ pháp luật cho CNLĐ là hết sức bức thiết.

Tổng LĐLĐVN đã trình Chính phủ “Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-CX”. Theo đó Tổng LĐLĐVN sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các khu thiết chế phục vụ CNLĐ và đoàn viên CĐ tại các KCX-CX gồm: Nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị, nhà thuốc, trung tâm tư vấn pháp luật; các công trình văn hóa, thể thao... với mức giá ưu đãi, giảm giá tối đa cho NLĐ, đặc biệt là đoàn viên CĐ. Việc làm này đặc biệt có ý nghĩa, chăm sóc trực tiếp, thiết thực và hiệu quả đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên CĐ và NLĐ.

Tôi cũng được biết, Tổng LĐLĐVN đã tích cực triển khai thực hiện các thiết chế dành cho đoàn viên, NLĐ ở các địa phương.  Đối tượng ưu tiên “số 1” thụ hưởng các cơ sở vật chất thuộc thiết chế CĐ là các đoàn viên CĐ đang làm việc ở các KCN-KCX.

Riêng vấn đề nhà ở cho công nhân, hiện nay mới chỉ đáp ứng được 5-10% nhu cầu, vấn đề nhà ở cho công nhân đã trở nên vô cùng cấp bách và bức xúc. Với đồng lương còn hạn hẹp như hiện nay thì việc để có được chỗ ở cũng là mơ ước của nhiều công nhân. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các khu thiết chế của Công đoàn như đã nói, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, cơ chế, vốn, thuế má… nhằm khuyến khích ngày càng có nhiều DN quan tâm đầu tư xây nhà ở cho công nhân.

Tôi đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với Công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế CĐ dành cho công nhân. Tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng 20 suất quà cho những công nhân lao động xuất sắc, nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Đó là 20 căn nhà "mái ấm Công đoàn" trị giá 1 tỷ đồng cho 20 công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Thừa Thiên -Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.  Ông Thân An, GĐ Cty Nam Việt Á cũng tặng 1 tỷ đông cho công nhân lao động miền trung.

Thủ tướng trao 20 căn nhà cho 20 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. ảnh: Giang Sơn.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra hết sức cởi mở, chân tình và thẳng thắn, nhiều công nhân lao động đã cảm thấy rất xúc động và tin tưởng vào những ý kiến chỉ đạo và cam kết của vị Đứng đầu Chính phủ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh