CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:16

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nỗ lực đạt kết quả cao nhất kế hoạch năm 2015

 

Đảm bảo cân đối ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm

Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác. Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2015, tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,07% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng ước tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2014, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ (IIP tăng 10,1%), tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng… Tuy nhiên, một số vấn đề tồn tại như sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và giá trị; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn trở ngại; giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn…

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

 Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kết quả đạt được rất đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức. “Nếu không có gì đột biến thì nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,5% trong năm nay” - Thủ tướng nhận định, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả cao nhất, tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm. Cùng với đó là phải đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi, nhất là chi cho hội họp, đi nước ngoài; tập trung thu ngân sách theo tinh thần thu đúng, thu đủ, đúng pháp luật. Thủ tướng lưu ý: “Tập trung chỉ đạo thu ngân sách trong tháng 12, nhất là cố gắng làm tốt công tác thu khoản nợ đọng 70.000 tỷ đồng tiền thuế để bảo đảm cân đối ngân sách. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm”

Hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách, đảm bảo an sinh xã hội

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2015, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược. Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm 2016 phải tiếp tục đà cải cách của năm 2015, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu trong ASEAN”.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm và đẩy mạnh giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo mới, giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm, chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, có kế hoạch chủ động về nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm,... phục vụ nhân dân dịp tết Dương lịch và Nguyên đán 2016.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, cho ý kiến và nhất trí đối với Tờ trình về hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT trình bày. Theo đó, cơ cấu mới khẳng định rõ tính phân luồng trong giáo dục THPT thông qua xác định các hướng chuyên sâu cho học sinh THPT là định hướng chung, định hướng kỹ thuật/công nghệ, hay định hướng năng khiếu. Học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp không thay đổi về tên các trình dộ và phân tầng giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học, nhưng có điều chỉnh về thời gian đào tạo trình độ đại học, từ đó, giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về báo cáo về thời gian quyết định đầu tư dự án khởi công năm 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, dự thảo Nghị định quy định cơ quan thuộc Chính phủ do Bộ Nội vụ trình.         

THANH HUYỀN/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh