Thủ tướng: Muốn làm lớn, cần bỏ thói quen "con trâu đi trước cái cày đi sau"
- Tây Y
- 23:29 - 27/11/2018
Theo Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, trong một thập niên qua, nền nông nghiệp đã tăng cả về quy mô và trình độ sản xuất. Đến năm ngoái, 1 ha đất trồng trọt đã đạt giá trị trên 90 triệu đồng. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm ngoái đạt 36,5 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến giữa năm nay, cả nước đã có trên 3.000 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đi cùng với đó là thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng gần 3,5 lần; từ hơn 9 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp từ 2,1 lần xuống 1,8 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,5% mỗi năm. Trong khi đó, hệ thống sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, thông qua, số lượng trang trại tăng mạnh đi cùng với nhiều hợp tác kiểu mới được thành lập và khoảng 8% doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào nông nghiệp.
Từ kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn và về nông dân có tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu được đặt ra đến năm 2030, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nông nghiệp sẽ đóng góp khoảng 5% Tổng sản phẩm trong nước còn lao động nông nghiệp chiếm dưới 10% lao động xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu lớn của nông nghiệp trong thời gian qua. Từ nước nhập nông sản đến nay nông sản Việt Nam có mặt trên 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, đứng thứ 15 trên thế giới.Tuy nhiên, hiện nhiều tồn tại hạn chế ngày càng bộc lộ khi Việt Nam phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa, khi nền kinh tế có độ mở hội nhập ngày càng cao.
Thủ tướng cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu 10 năm thực hiện nghị quyết "tam nông".
Theo Thủ tướng, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua chú trọng nhiều vào xuất khẩu, trong khi đó lại bỏ quên thị trường trong nước, điều này dẫn đến người dân không được sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, trong khi nhu cầu ngày càng cao. Về nguồn lực, đầu tư nông nghiệp vẫn manh mún, chủ yếu do người dân, tổ chức hội chứ chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp Nhà nước làm nông nghiệp để trở thành xu hướng. Tính đến nay, mới có khoảng 8% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư thành công vào Việt Nam nhưng con số vẫn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. "Đầu tư nông nghiệp còn quá thấp, số dân làm nông nghiệp còn quá cao chiếm 48%. Tổng GDP tạo ra trong nền kinh tế còn rất ít. Tiềm năng thế mạnh ở đâu, năng suất lao động Việt Nam cũng từ đây chứ đâu? Số doanh nghiệp nông nghiệp cũng chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp phân theo lĩnh vực, trong đó chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp Việt cần phải bỏ thói quen con trâu đi trước cái cày đi sau thì mới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ ra hàng loạt những bất cập, hạn chế tồn tại cố hữu trong ngành và tư duy người nông cần thay đổi để thích ứng với thời cuộc, như mô hình sản xuất thô sơ, kết cấu rời rạc và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu thiếu khoa học, không an toàn. "Còn tình trạng việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức. Đây là vấn đề cần lưu ý, đảm bảo hướng nền nông nghiệp Việt sạch, an toàn và cần phải nghiêm trị kẻ đưa phân bón, thuốc trừ sâu quá mức vào sản phẩm tiêu dùng", Thủ tướng nhắc nhở.Về tư duy nhà nông, Thủ tướng khuyên nên đổi mới và không làm theo phong trào: Trong thập kỷ tới đây, Việt Nam đứng ở đâu, đứng thứ 15 nước nông nghiệp phát triển? Nên chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng. Việc nhận diện rõ, cơ hội, thách thức là rất quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu phải sớm khắc phục, tồn tại yếu kém hiện nay để thích nghi những cái mới nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số Cách mạng 4.0 như sử dụng máy bay không người lái trong nông nghiệp, dây truyền, bao tiêu và sử dụng internet vạn vật... Thủ tướng cho hay, tư duy chậm trễ là nguyên nhân dẫn tới hành động chậm trễ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.