CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

Thủ tướng: Không thể xả lũ khiến dân ngập mà vẫn "đúng quy trình"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu thì không thể nói "đúng quy trình". 

 

Đó là quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, diễn ra chiều 18/4.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2016 là năm có nhiều thiên tai và nhân tai, gây thiệt hại rất lớn, làm chết 264 người, bị thương gần 1.000 người, mất đi khoảng 1% GDP. “Chúng ta thấy thiệt hại dồn dập như vậy nhưng chúng ta không để người dân nào đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất, đứt bữa xảy ra trên các vùng miền của Tổ quốc”, Thủ tướng nói và biểu dương các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các cấp. Đặc biệt, biểu dương nhiều cán bộ đã lăn lộn, xả thân, không ngại hiểm nguy.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều mặt tồn tại, bất cập cần rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn thời gian tới. 

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đánh giá công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, điển hình như việc một số công trình thủy điện, giao thông, khu dân cư… khi đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thì thiếu kiểm tra, giám sát từ khâu lập quy hoạch, chưa quan tâm việc phòng ngừa các tác động của thiên tai, làm gia tăng rủi ro thiên tai trong khu vực.

Bên cạnh đó, hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi thì phải phục vụ chống lũ, chống hạn. “Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”, Thủ tướng nhấn mạng.

Bất cập khác được Thủ tướng chỉ ra, là có thành phố ngay cạnh biển nhưng lại không thoát được lũ ra biển, mà còn bị lụt nhiều ngày do không tiêu thoát được. Như vậy cho thấy quản lý xây dựng không quy hoạch hoặc quy hoạch xây dựng sai vì không tính đến đường thoát lũ.

"Hoặc như quỹ phòng chống thiên tai do cấp xã, phường thu nhưng lại nộp hết về tỉnh, thành phố, sau đó phường, xã lại phải đi xin như thời bao cấp. Như vậy, tạo cơ chế xin-cho trong khi cấp xã phải làm rất nhiều việc về phòng chống thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai. Sao không giao quyền chủ động hơn cho cấp xã?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Về công tác dự báo, Thủ tướng cho rằng bên cạnh một số kết quả tích cực thì chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều khi gây bất ngờ lớn. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đến được với người dân, nhất là vùng thôn bản, vùng sâu, vùng xa nên có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi mưa lũ đến. Quy trình thủ tục hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai còn chậm, còn máy móc. Việc tiếp nhận, phân bổ hỗ trợ ở một số địa phương chưa minh bạch, phát sinh thắc mắc, khiếu nại như báo chí đã phản ánh.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai còn khá phổ biến, chậm được khắc phục.

“Nổi cộm là nạn cát tặc, khai thác trái phép trên các dòng sông, lấn chiếm lòng, bờ sông, kênh rạch, làm sạt lở đê, kè, cản trở, suy giảm khả năng thoát lũ, tăng nguy cơ, rủi ro thiên tai”, Thủ tướng nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh