Nam miền Trung lại oằn mình vì thủy điện xả lũ
- Tây Y
- 05:07 - 04/11/2016
- Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện
- Thủy điện Hố Hô: Xả lũ phải phối hợp với chính quyền địa phương
- Thủy điện xả lũ nhấn chìm nhà dân, Chủ tịch huyện nóng mặt
- Một học sinh tử vong vì thủy điện xả lũ bất ngờ
- Cộng đồng kêu gọi mua dưa hấu giúp nông dân Quảng Nam ngập lụt
- Quảng Nam: Bán giúp nông sản cho bà con vùng ngập lụt
Nhiều làng mạc ngập sâu trong nước lũ
Tính đến chiều tối ngày 3/11, UBND tỉnh Phú Yên cho biết; đã có nhiều người nhập viện cấp cứu vì thủy điện trên sông Ba xả lũ ồ ạt. Các làng mạc phía hạ du sông Ba ngập sâu trong nước, người dân không chạy kịp đã chịu cảnh màn trời chiếu đất. Thiệt hại về người và của ngày càng tăng cao. Hai nhà máy xả lũ nhiều nhất lần này đó là Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ (thuộc địa phận huyện Sơn Hòa, Phú Yên) và nhà máy thủy điện Sông Hinh. Đây là lần xả lũ ồ ạt và kinh hoàng nhất từ trước đến nay. Riêng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ lên 10.100m3/giây. Không chỉ có hai nhà máy thủy điện này mà Thủy điện Krông H’năng cũng xả lũ với lưu lượng xấp xỉ 1.800m3/giây, thủy điện An Khê – KaNak xả với lưu lượng 500m3/giây khiến hơn 10 ngàn người dân ở Phú Yên lâm cảnh điêu đứng.
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ ồ ạt
Hầu hết các xã phường thuộc huyện huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa đều ngập sâu trong nước. Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên bức xúc cho biết; ngay cả địa bàn trung tâm thành phố Tuy Hòa cũng tràn ngập nước. Nước ngày càng dâng cao, xe cộ và nhiều tuyến đường giao thông đều tê liệt hết. Một nhà máy thủy điện xả đã chết rồi đường này nhiều nhà máy cùng xả một lúc thì làm sao mà xoay sở cho kịp. Mặc dù có báo trước thì cũng không thể đối phó được.
Nhiều người dân ngụ ở phường 6, TP Tuy Hòa cho biết, riêng ở phường 6 đã có 7 ngư dân đi ứng cứu người thân ở huyện Tuy An bị nước cuốn trôi, đến chiều ngày 3 /11 vẫn chưa tìm ra tung tích. Ông Nguyễn Văn Hữu, cán bộ hưu trí huyện Đồng Xuân cũng cho biết, trên 30 căn nhà cấp bốn cũ bị nước ập vào đã đổ sập. Nhiều tài sản trong dân không thể phân tán kịp. Hàng vạn con gà, trâu, bò đã chết vì nước ngập quá nhanh.
Nhiều làng mạc ở Phú Yên ngập trong biển nước
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Phú Yên, đến tối 3/11 ngoài 50 người nhập viện còn có 7 người mất tích, đó là các trường hợp: ông Phan Sơn (43 tuổi) ở phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu; ông Hồ Tân (68 tuổi) ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa; chị Trần Thị Vinh (24 tuổi) ở thôn Long Uyên, xã An Dân, huyện Tuy An và 4 ngư dân ở thành phố Tuy Hòa chưa xác định được tên, tuổi cụ thể.
Tại Bình Định: Đến tối ngày 3/11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết; lũ đã gây ngập nặng tại các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP. Quy Nhơn. Có gần 1.600 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, gần 60 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng nặng. Hàng trăm tuyến đường bị cô lập, trên 9000 con gia súc và hàng vạn con gia cầm đã bị lũ cuốn trôi. Riêng tại các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ và Hoài Nhơn, mưa lũ đã làm 2 nhà sập, 16 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở với khối lượng 4.600m2, 5,9m kênh mương, 11 đập dâng bị sạt lở, 1.600ha lúa và hoa màu bị ngập. Ngoài lượng nước từ các nhà máy thủy điện trên Sông Ba thì Bình Định phải hứng chịu nguồn nước xả từ hồ Định Bình- hồ chứa nước thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định đang đang xả với lưu lượng 324 m3/s.
Linh hoạt tìm cách ứng phó
Công tác tìm kiếm cứu hộ ở Phú Yên vẫn khẩn trương được tiến hành
Theo tin báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho thấy đến ngày 5/11 vẫn mưa lớn ở Phú Yên, các nhà máy thủy điện vẫn tiếp tục xả, có thể xảy ra lũ lớn. Vậy nên UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thực hiện phương châm 4 tại chỗ là; tăng cường kiểm tra, rà soát những khu vực thường xảy ra thiên tai, vùng trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, triều cường, vùng ven sông biển, vùng có khả năng bị ngập sâu và các công trình thủy lợi; bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ người dân.
Bên cạnh đó, các trường học ở khu vực ngập sâu trong nước tạm thời cho học sinh nghỉ học, có cách ngăn chặn người dân lưu thông ở những vùng sạt lở nguy hiểm. Đồng thời UBND tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương giám sát việc vận hành, xả lũ của nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’năng. Tại các nhà máy này cần yêu cầu có người túc trực liên tục để ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố Tuy Hòa cũng ngập sâu
Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cũng cho biết, đã tức tốc di tản người dân ở các vùng ngập đến các địa điểm cao ráo, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm kịp thời đồng thời đang tiếp tục tìm kiếm những người mất tích.
Tại Bình Định, UBND tỉnh Bình Định cũng đã kịp thời chỉ đạo khắc phục các tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, tức tốc tiến hành các biện pháp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ tán và cứu trợ kịp thời những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt.
Theo giải thích của Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ thì; Thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện cuối cùng của bậc thang thủy điện trên hệ thống Sông Ba nên lượng nước từ các nhà máy phía trên đều đổ xuống. Một khi các nhà máy thủy điện An Khê-Kanak, Krông H'Năng xả xuống thì bắt buộc nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ phải xả hết cỡ nếu không sẽ vỡ đập nhà máy thủy điện, hậu quả đó sẽ rất nghiêm trọng. Trước khi xả công suất lớn, nhà máy cũng đã thông báo đến các cấp chính quyền Phú Yên, đây là tình huống bắt buộc phải xả. Theo nhiều chuyên gia về thủy điện thì, nếu muốn có biện pháp xả lũ hạn chế những thiệt hại cho người dân thì tất cả các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Ba phải cùng ngồi lại tìm ra giải pháp tối ưu và có những giao ước, cam kết chung với nhau.
Gia Lai cũng thiệt hại nặng vì thủy điện: Không chỉ Phú Yên, Bình Định, từ việc xả lũ của các nhà máy thủy điện trên sông Ba mà tỉnh Gia Lai chịu cũng chịu thiệt hại nặng nề. Tại Thị xã An Khê (Gia Lai), thủy điện An Khê - Ka Nak liên tục thông báo tăng lưu lượng xả lũ từ 200m3/s lên 620m3/s rồi trên 1.000m3/s khiến cho nhiều xã, phường bị ngập lụt cục bộ, đến tối ngày 3/11 vẫn chìm trong nước. Hàng trăm héc ta lúa ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa bị ngập trắng.