CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Thủ tướng: Đẩy mạnh các biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, Trung ương và lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp tại các điểm cầu địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo (Ảnh: TTXVN)

Phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, thực hiện lộ trình chuyển hướng chiến lược sang: Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngành y tế đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các địa phương lấy ý kiến tới các cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn để nghiên cứu, đóng góp, bổ sung để đề xuất các giải pháp xây dựng một Hướng dẫn phù hợp với điều kiện cụ thể thực tế hiện nay về phòng chống dịch.

Để thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế. Hạn chế thấp nhất các ca tử vong.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo. Từ yêu cầu công tác phòng chống dịch, và phát triển kinh tế - xã hội, phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

“Các đồng chí căn cứ vào các quy định hiện hành tình hình cụ thể tại địa phương để mà xem xét việc mở cửa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là những nơi có vùng xanh thì các đồng chí phải mở ra nhưng mà kiểm soát làm sao cho tốt, để nhân dân được sản xuất, nhân dân được đi lại, còn ngoài vùng xanh thì lại phải có kiểm soát về y tế theo quy định. Cái này các đồng chí phải rất linh hoạt thực hiện các biện pháp y tế, chúng ta vẫn phải phòng là rất cơ bản là chiến lược và quyết định trong lúc mà mình chưa có độ bao phủ vaccine“ - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động ở các thành phố lớn sớm ổn định cuộc sống, không di chuyển ồ ạt. Trường hợp người dân, người lao động quyết tâm rời thành phố, các khu công nghiệp, các khu chế xuất về quê, các tỉnh thành phối hợp, thực hiện tốt các biện pháp y tế, tổ chức việc đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc; đi liền với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống ổn định của nhân dân.

Chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch

Tại Phiên họp, người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý tới việc chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng cho biết về giá xét nghiệm, kit xét nghiệm COVID-19, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra làm rõ, kịp thời thông tin tới công chúng nhân dân. Trước đó, trong nhiều cuộc họp Thủ tướng đã chỉ đạo việc mua sắm phải bảo đảm tiết kiệm, công khai, minh bạch, tránh thất thoát lãng phí.

Quan điểm của Chính phủ là nếu phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc trên cơ sở chức năng quyền hạn để làm rõ thông tin, xử lý nghiêm. Thủ tướng luôn lắng nghe, tiếp thu những phản ánh, ý kiến đóng góp, những đề nghị của mọi tầng lớp nhân dân, song lưu ý thông tin đưa ra phải chính xác để tránh nghi ngờ, không có căn cứ, ảnh hưởng tâm lý các lực lượng chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, đơn vị khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tháng 10/2021; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ nhập vaccine và tổ chức tiêm vaccine kịp thời, hợp lý, hiệu quả cho người dân theo thứ tự ưu tiên; xây dựng, áp dụng các chính sách thỏa đáng cho lực lượng tuyến đầu; huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu có chế độ khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi sai trái, vi phạm quy định phòng, chống dịch; tăng cường thông tin truyền thông, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch, trong đó tập trung nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân, tạo đồng thuận xã hội…

Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ tháng 9 (Ảnh: TTXVN)

Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ tháng 9 (Ảnh: TTXVN)

Kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn” “nút thắt”, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ nhận định trong tháng 9, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt; chỉ số CPI giảm 0,62% so với tháng 8/2021; 9 tháng tăng 1,82% so cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2016 đến nay.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn như: chỉ tiêu tăng trưởng quý 3 giảm ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; GDP quý 3/2021 giảm sâu (6,17%); thu nội địa có xu hướng giảm nhanh; giải ngân vốn đầu tư công thấp, tính chung 9 tháng đạt 47,38% kế hoạch; một bộ phận đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong quý 4/2021 Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh các biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn, tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022 đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới từ 1/10/2021 đồng bộ với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 63/NQ-CP về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu; Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Tập trung rà soát, đẩy nhanh giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.

Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển KT-XH, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông, lưu thông hàng hóa, du lịch, giáo dục đào tạo... theo lộ trình từng bước.

Các địa phương phải công khai các quy trình, yêu cầu và tiến độ xử lý việc mở lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đây là vướng mắc của nhiều doanh nghiệp và địa phương.

Phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các địa phương, cơ quan có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án vốn ODA; Bảo đảm lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân thông suốt nội tỉnh và liên tỉnh, không để ách tắc, không để mỗi địa phương một kiểu; hướng dẫn công khai, rõ về các yêu cầu trong bảo đảm an toàn chống dịch và thống nhất trên toàn quốc để các địa phương thực hiện, từng doanh nghiệp, người dân dễ dàng tra cứu và tuân thủ. Kịp thời xử lý các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa xuất, nhật khẩu;

Triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động tại các KCN, KKT, KCX, Khu Công nghệ cao, CCN; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; Đẩy nhanh việc kiểm tra, đánh giá và phê duyệt phương án mở lại sản xuất của doanh nghiệp; kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh; Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để có giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong bối cảnh KT-XH chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh và việc thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định chính trị, xã hội; Khẩn trương xây dựng hướng dẫn tổ chức dạy và học phù hợp tình hình, mức độ nguy cơ dịch bệnh từng địa phương.

Thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên, nhất là các cháu gặp khó khăn, bị mồ côi do dịch COVID-19; Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác xây dựng thể chế, xác định đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển; tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ bằng được các “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết phục vụ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 10 và kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, bảo đảm đồng thuận, chất lượng, kịp thời; Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh