Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh phía Nam chuẩn bị phương tiện đưa người dân về quê
- Dược liệu
- 12:03 - 02/10/2021
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phối hợp với Sở GTVT TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có phương án chuẩn bị đầy đủ phương tiện để kịp thời đáp ứng yêu cầu vận chuyển người và phương tiện cá nhân của người dân khi họ có nhu cầu di chuyển.
Bộ GTVT cũng lưu ý các tỉnh khi vận chuyển người dân phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; đối tượng được phép vận chuyển theo hướng dẫn của UBND cấp tỉnh, Bộ GTVT và quy định của Bộ Y tế.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An được giao có phương án chuẩn bị đầy đủ phương tiện để kịp thời đáp ứng yêu cầu vận chuyển người dân có nhu cầu về quê, phương tiện cá nhân của người dân; kể cả trường hợp khi có nhu cầu về quê của người dân tăng cao thì phải đảm bảo không thiếu phương tiện, lái xe.
“Các Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra GTVT phối hợp với CSGT, lực lượng chức năng khác trên địa bàn hỗ trợ người dân trong quá trình di chuyển đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt khi qua các chốt kiểm soát dịch…”- công điện Bộ trưởng GTVT nêu rõ.
Tại TP.HCM, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP cho biết, lưu lượng phương tiện trung bình từ 6 giờ đến 14 giờ tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường (quy đổi PCU/giờ) ngày 01/10/2021, 1860 PCU/giờ, so với ngày 30/9 tăng 65%, so với ngày 28/5 giảm 45%.
Về việc hàng nghìn người dân về quê tự phát, tập trung ở cửa ngõ TPHCM tối ngày 30/9, Thượng tá Trần Thanh Giang thông tin thêm, khi phát hiện người dân tụ tập đông người tại chốt cửa ngõ, Công an TP đã phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động người dân ở lại, cùng tham gia vào quá trình phục hồi kinh tế của TP, thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch.
Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP thông tin, Đến 14 giờ ngày 1/10, TPHCM đã giải quyết, hỗ trợ khoảng 1.300 người về quêSau khi tuyên truyền, vận động, đối với một số người vẫn nhất quyết về quê, lực lượng Công an TP đã phối hợp với các đơn vị phân chia người dân theo từng đoàn địa phương. Người dân được yêu cầu điền phiếu cung cấp nơi đi, nơi đến kèm các yếu tố dịch tễ.
Công an TP cũng trao đổi Sở Giao thông Vận tải TP và Bộ Tư lệnh TP để hỗ trợ phương tiện chở người dân về quê sau khi thông báo với các địa phương liên quan để tiếp nhận và có phương án xử lý phù hợp. Đến 14 giờ ngày 1/10, TPHCM đã giải quyết, hỗ trợ khoảng 1.300 người về quê, tất cả người dân đều hưởng ứng và đồng tình với phương án hỗ trợ trên của TP.
Phó Ban chỉ đaọ Phạm Đức Hải nhấn mạnh sự chủ động, tích cực, tự giác phòng chống dịch của người dân đóng vai trò rất quan trọngLiên quan đến vấn đề này, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chia sẻ, TP luôn trân trọng mời người lao động ở lại để cùng phục hồi, phát triển TP với nhiều cơ hội việc làm và tạo điều kiện cho những người lao động trong việc ăn, ở, hoạt động tinh thần,… với nhiều giải pháp để chăm lo cho người lao động một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu người dân có nguyện vọng về quê, TP sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành để đưa người dân về quê chu đáo, an toàn.
Trước đó, TP đã phối hợp tổ chức 54 đợt đưa hơn 37.000 người dân về các tỉnh thành trong cả nước.
Phó Ban chỉ đaọ Phạm Đức Hải nhấn mạnh, Chỉ thị 18 của UBND TP nêu rõ việc tiếp tục kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trên toàn địa bàn TP. Trong đó, mục tiêu đặt ra là ưu tiên đảm bảo tính mạng người dân trên hết; kéo giảm các ca bệnh nặng, tử vong; phục hồi kinh tế và từng bước đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới. TP vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, sự chủ động, tích cực, tự giác phòng chống dịch của người dân đóng vai trò rất quan trọng.