THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:42

Thừa Thiên Huế có mức chênh lệch giàu nghèo thấp nhất khu vực Bắc Trung bộ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên Huế

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc. Cụ thể, tổng thu ngân sách ước đạt gần 3.240 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt hơn 3.150 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện ước đạt 7.399,3 tỷ đồng.

Theo ông Thọ, trong 5 tháng đầu năm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp mới 14 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn 4 dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt 14.889 tỷ đồng.

Ông Thọ cũng cho biết thêm, thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo đầy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, việc tập trung phát triển dịch vụ đô thị thông minh đã giúp nâng cao việc quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; đồng thời tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

Đặc biệt, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”  do tỉnh phát động đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp và thu hút sự tham gia tích cực của người dân, các tổ chức chính trị, xã hội góp phần làm cho Thừa Thiên Huế ngày càng xanh - sạch - sáng; được Thủ tướng Chính phủ có Thư biểu dương khen tặng.

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra, đồng thời tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm, dự án lớn trên địa bàn. Thừa Thiên Huế rất cần sự hỗ trợ của các Bộ ngành cũng như của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, liên quan đến dự án di dời dân cư tại khu vực 1 Kinh thành Huế, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nỗ lực để triển khai các công việc liên quan đến giải phóng, di dời với tinh thần quyết liệt cao. Dự kiến trong tháng 9, tỉnh sẽ hoàn thành khu tái định cư và thực hiện di dời các hộ thuộc khu vực Thượng Thành trong tháng 10/2019 (523 hộ). Tuy nhiên, với quy mô kinh phí lớn chi trả cho người dân lên đến 1.880 tỷ trong giai đoạn 2019 – 2021 là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Thừa Thiên Huế đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm phê duyệt bổ sung danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2020 và bố trí từ nguồn dự phòng chung cho dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, giúp Tỉnh đảm bảo được nguồn lực để kịp thời thực hiện dự án.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; cho phép tiếp tục thực hiện dự án nhà máy xi măng Nam Đông; điều chỉnh Qui hoạch cát trắng trên địa bàn tỉnh; chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; sớm phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Quốc tế Phú Bài,...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao cách làm việc tích cực, khẩn trương, mạnh mẽ, quyết tâm cao của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua; nhiều kết quả đạt được đáng để các địa phương khác học tập, như: mô hình xây dựng đô thị thông minh, phong trào ngày Chủ nhật xanh

Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tăng trưởng, bức tranh phát triển toàn diện của Huế trong thời gian qua, đặc biệt là việc giữ gìn và phát triển theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Theo Thủ tướng, Thừa Thiên Huế đã chú trọng công tác hỗ trợ, chăm sóc, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện, xã nghèo. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số mô hình, cách làm mới, hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nêu rõ, Thừa Thiên Huế là địa phương có mức chênh lệch giàu nghèo thấp nhất trong khu vực Bắc Trung bộ.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế của địa phương giàu tiềm năng văn hóa, du lịch này đó là quy mô kinh tế còn nhỏ, GDP bình quân đầu người còn thấp, GRDP 5 tháng đầu năm tăng chưa đạt kế hoạch đề ra; chưa xuất hiện những yếu tố động lực tăng trưởng mới tại địa phương,...

Đối với các đề xuất của Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tỉnh cần rà soát quy hoạch  thành phố Huế đáp ứng với yêu cầu phát triển mới, phù hợp với tiêu chí thành phố xanh, hiền hòa, lấy sông Hương, núi Ngự làm điểm nhấn. Quy hoạch cũng phải hướng tới phát triển đời sống văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, duy trì môi trường sống tốt cho quy hoạch và phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức; chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ phát triển kinh tế và du lịch, nhất là đào tạo tiếng Anh cho cộng đồng; gìn giữ, duy trì và xây dựng hình ảnh người dân Huế thân thiện, hiếu khách.

Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung hoàn thành Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, trình Bộ Chính trị trong quý III/2019. Những đề xuất của tỉnh được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với tỉnh giải quyết.

Về dự án di dời dân cư tại khu vực 1 Kinh thành Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý theo chủ trương và đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời nhấn mạnh, đây là cuộc di dân mang tính lịch sử, đề  nghị các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về nguồn vốn để giúp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. 

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh