Thủ tướng chỉ thị triển khai các giải pháp tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh
- Tây Y
- 13:31 - 03/04/2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTVN.
Chỉ thị nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", ngay từ đầu năm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP Quý I năm 2019 thấp hơn kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng từ đầu năm. Mặt khác, đã xuất hiện những khó khăn tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án lớn chưa đạt yêu cầu, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi…
Do đó, để có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2019 là 6,8%, nhiệm vụ của những tháng cuối năm, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (các bộ, ngành và địa phương) tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 để xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn, củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng của từng khu vực và các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng ngành để tạo động lực phát triển không chỉ cho năm 2019 mà còn cho các năm tiếp theo; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2019; thực hiện nghiêm nhiệm vụ cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 320/TTg-KSTT ngày 15/3/2019.
Theo Chỉ thị, có 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong năm 2019 gồm: Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án công nghiệp quy mô lớn, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2019; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thị trường phát triển; tổ chức các Hội nghị quốc gia tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Về nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/3/2019; xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn làm lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời động vật mắc bệnh; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu vắc xin phòng chống bệnh và các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tăng cường thu mua dự trữ, cấp đông để hạn chế mức giảm giá thịt lợn quá sâu, đồng thời tránh tăng giá khi chưa tái đàn; chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh; đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng, định hướng công tác kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2019.
Đồng thời, xây dựng “Hệ thống thông tin về phát hiện, phòng chống dịch bệnh từ cơ sở” để đảm bảo thông tin dịch bệnh, kịp thời trong quản lý, điều hành chỉ đạo; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng hợp tác xã, tiến tới hình thành liên hiệp hợp tác xã cho một số sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn, có sức lan tỏa trên cơ sở hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản tại các vùng, miền trên cả nước...
Về thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan tổ chức lại thị trường trong nước; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…; đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; tăng cường quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu để tận dụng các lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bên cạnh đó, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2019 Đề án xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là việc tranh thủ thời cơ, hạn chế bất cập, thách thức do tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc; thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh mà Trung Quốc đang bị áp thuế cao; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước kết hợp với mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, FTA, EVFTA...); kiểm soát tốt hoạt động tạm nhập, tái xuất, quy định về nguồn gốc, xuất xứ, tránh tình trạng "mượn đường" để xuất khẩu sang nước thứ 3...