Thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội rườm rà, “chẳng lẽ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lại đi tiếp xúc cử tri ở tỉnh… Gia Lai”
- Tây Y
- 23:17 - 29/10/2019
Đó là những phát biểu tại tổ, khi cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng nay (29/10).
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Bà Rịa- Vũng Tàu) bày tỏ: "Tôi nói rất thật, các đại biểu như chúng tôi thực tế ở cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn".
"Bây giờ hỏi nhiều câu Bộ trưởng không nắm được đâu, rồi bị nhân dân phê bình, nhưng thực ra thẩm quyền đó được phân cho uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương. Nhiều vấn đề là tổ chức thực hiện hiện nay phân cấp về cơ bản rồi", ông bộc bạch.
Liên quan đến cơ cấu đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều bộ trưởng, thậm chí chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh cũng làm đại biểu Quốc hội, thì việc chỉ đạo, điều hành rất khó khăn.
"Quốc hội có quyền yêu cầu bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng bộ trưởng, chủ tịch uỷ ban nhân dân cứ phải là đại biểu Quốc hội? Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để Quốc hội không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách, đặc biệt là đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật. Tôi nghĩ thế thì cần hơn", ông Hà bày tỏ quan điểm.
Theo Bộ trưởng thì cần nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần 50 - 60% để "đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi".
Chung ý kiến về đại biểu Quốc hội chuyên trách, tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Được đề xuất tăng đại biểu chuyên trách bởi làm luật mà không có đại biểu chuyên trách, không có cán bộ chuyên môn, trình độ thì không thể làm ra luật được.
"Theo tôi, nên tăng đại biểu chuyên trách từ 35% lên 40% và hơn nữa. Một đại biểu nên kiêm nhiệm vừa phải. Như tôi, các cơ quan nhà nước có cuộc họp gì là đi họp cái đó. Nhiều công văn, giấy tờ chưa kịp xử lý", ông chia sẻ.
Dẫn ra một trường hợp trong Quốc hội khóa 9, trong đoàn mình có đại biểu cả kỳ họp không có nổi 1 ý kiến, ông Được cho rằng cơ cấu đại biểu cần chất lượng hơn. "Không cẩn thận có trường hợp tích cực phát biểu nhưng chỉ để quê hương thấy mặt. Điều đó là rất không nên", ông Được cho biết.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đồng ý với quan điểm cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Theo ông Nghĩa, cần có cơ cấu đại biểu kiêm nhiệm theo lĩnh vực bởi có nhiều đại biểu do đặc thù ngành nghề, vị trí công tác, khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ dân cử khó khăn.
Vị luật sư đề xuất nghiên cứu cơ cấu cụ thể ngành nào, cấp nào sẽ có đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm. Từ đó, Luật thiết kế chính sách, chủ trương cho hợp lý để đại biểu kiêm nhiệm làm tốt vai của mình, cử tri cũng cảm thấy hài lòng hơn.
Còn Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho hay, trước khi được điều động về Đắk Lắk, ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Nhưng vì thủ tục chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội rườm rà nên ông không được đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 8.
Theo dự thảo luật, "trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác. Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu được chuyển đến sinh hoạt có trách nhiệm xác định địa bàn cụ thể để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri và các nhiệm vụ khác của đại biểu tại địa phương".
"Cần ghi thẳng thêm chữ "đương nhiên", nếu không thì thủ tục hành chính dài dòng", đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nói và đề cập đến những bất cập mà chính bản thân ông gặp phải.
Ông Cường cho hay, tháng 7/2019, ông nhận quyết định của Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Thời điểm đó, ông đang là đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai.
Sau khi về Đắk Lắk công tác, ông 2 lần gọi điện cho Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nói về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội và được hứa sẽ tiến hành. Tuy nhiên, việc chuyển Đoàn đại biểu Quốc hội chưa xong thì lại đến kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, ông không biết đi tiếp xúc cử tri ở đâu.
"Chẳng lẽ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lại đi tiếp xúc cử tri ở tỉnh… Gia Lai. Còn muốn tiếp xúc cử tri ở Đắk Lắk thì chưa có quyết định chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội", ông Cường phát biểu.
Ông Cường kể, ông đã phải làm đơn gửi 2 Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk và Gia Lai, sau đó 2 Đoàn đại biểu Quốc hội họp, tiếp đến 2 cơ quan Mặt trận Tổ quốc của 2 tỉnh họp. Sau đó, hồ sơ mới chuyển ra Hà Nội, tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và ra Nghị quyết về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội cho ông Bùi Văn Cường.
"Như vậy, tôi có một kỳ không được đi tiếp xúc cử tri", đại biểu Cường nói.
Từ thực tiễn nêu trên, ông Cường đề nghị sửa quy định là, trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương thì đương nhiên được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác.
"Khi đại biểu Quốc hội đó được điều động, luân chuyển đã có cấp thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định chuyển sinh hoạt cho đại biểu Quốc hội đó là xong. Còn như quy định hiện hành, đại biểu Quốc hội phải viết đơn, rồi 2 Đoàn có ý kiến, 2 cơ quan Mặt trận Tổ quốc của 2 tỉnh lại có ý kiến, phải mất 4 cuộc họp, thủ tục như vậy rất rườm rà phải cải tiến ngay lập tức", ông Cường nhấn mạnh.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, phải quy định chặt chẽ trên cơ sở quyết định của cấp thẩm quyền khi điều động, luân chuyển cán bộ; trường hợp có những đại biểu Quốc hội là doanh nghiệp họ đang làm ở Hà Giang nhưng khi chuyển về Hà Nội làm thì không thể đương nhiên về Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Họ vẫn phải có trách nhiệm ở địa phương nơi mình ứng cử và trúng cử hoặc trường hợp này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.