Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những kết quả Cục Trẻ em đã đạt được trong năm 2021
- Dược liệu
- 08:03 - 27/01/2022
Kịp thời tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách về trẻ em
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, năm 2021 năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội đảng Khóa XIII, cũng là năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em cả về bảo vệ, chăm sóc, dinh dưỡng, học tập....
Ông Nam cho biết, năm 2021, Cục Trẻ em đã tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách về trẻ em, đặc biệt là - Tham mưu các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực trẻ em trong Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em và Thông tư số 13/2021/TT-LĐTBXH ngày 30/9/2021 ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em. Cục kịp thời tham mưu Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Về triển khai các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, thiên tai tới trẻ em, Cục cùng với việc tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em, bao gồm trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở thực hiện pháp luật, chính sách và các biện pháp hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt chăm sóc, hỗ trợ trẻ em mồ côi trong dịch COVID-19, triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong dịch COVID-19.
“Đặc biệt, Cục triển khai dich vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng đã phối hợp với các chuyên gia về tâm lý triển khai hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn chăm sóc cho trẻ em trong các khu cách ly tập trung thông qua hình thức trực tuyến, tổ chức hướng dẫn, tư vấn về an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Triển khai dịch vụ hỗ trợ trẻ em thông qua mạng lưới các chuyên gia và cộng tác viên hỗ trợ việc tư vấn cho trẻ em ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 về phòng ngừa xâm hại, bạo lực, hỗ trợ tâm lý tâm thần cho trẻ em”, ông Nam thông tin.
Theo người đứng đầu Cục Trẻ em, thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh truyền thông về trẻ em. Cùng với việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn mở rộng truyền thông trên mạng xã hội.
Hằng năm, ngân sách bố trí thông qua Bộ LĐ-TB&XH (Cục Trẻ em) để thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ khoảng gần 10 tỷ đồng/năm; thực hiện chi sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em khoảng 15 tỷ đồng/năm. Tại địa phương, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, kinh phí phân bổ thông qua Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trong năm 2021 trên 121 tỷ đồng (giảm khoảng 10,7 tỷ đồng so với năm 2020).
Ông Nam cũng cho biết, năm 2021 duy trì tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là 55% (năm 2020 là 55%). Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em còn 6,9% (năm 2020 là 7%).
Việt Nam là điển hình tốt về hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Minh Đức cho biết, khi trao đổi với các đối tác quốc tế, họ đánh giá cao những chính sách dành cho phụ nữ và trẻ em của Việt Nam, nhất là những chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trong đại dịch vừa qua. Đặc biệt, Ban thư ký ASEAN đánh giá Việt Nam là điển hình tốt về hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm VNCERT, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, năm vừa qua Bộ TT&TT và Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Đề án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và xây dựng môi trường lành mạnh cho trẻ em.
Ông Tuân cũng cho biết, năm 2022, đơn vị này sẽ tiếp tục xử lý các thông tin độc hại ảnh hưởng xấu đến trẻ em. “Năm 2021 Cục đã xử lý khá nhiều vụ việc và năm 2022 sẽ mạnh tay hơn, quyết liệt hơn với nạn tin xấu, tin độc hại. Đồng thời, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để thông tin độc hại không phát tán ra cộng động. Cùng với đó, phối hợp xây dựng các tài liệu để biết các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, ông Tuân nói.
Đại tá Phạm Mai Hiên, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an cho rằng, thời gian qua tập trung Bộ Công an không chỉ tập trung phòng ngừa, bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi bị bạo lực, xâm hại,… mà còn phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Theo đó, ngành công an đã tổng rà soát những người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Điều đáng báo động là tội phạm ngày càng trẻ hóa và ngày càng phức tạp.
Đại tá Hiên cho biết, hiện nay, ngành công an đã xây 22 phòng điều tra thân thiện với trẻ em. Năm 2022 sẽ tiếp tục xây dựng 15 phòng điều tra thân thiện với trẻ em. Đồng thời, tập huấn về điều tra thân thiện với trẻ em cho đội ngũ công an.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả Cục Trẻ em đã đạt được trong năm 2021. Theo Thứ trưởng, năm 2021, Cục Trẻ em đã tham mưu xây dựng được một số văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, nhanh chóng và chất lượng. Cùng với đó, đa dạng hóa công tác truyền thông về trẻ em. Công tác phối hợp liên ngành với GD&ĐT, TT&TT, Công an, Văn phòng Trung ương đảng, Ban Tuyên giáo,… đã làm được triển khai nhịp nhàng. Tuy nhiên, Thứ trưởng mong muốn trong năm 2022, công tác phối hợp liên ngành về trẻ em được triển khai thực hiện sâu rộng hơn nữa. Cần tăng cường phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ VH-TT&DL, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em… để cùng thực hiện tốt hơn công tác trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tin tưởng và hy vọng, công tác trẻ em năm 2022 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực với những kết quả cao hơn.
Năm 2021, Tổng đài 111 thực hiện tiếp nhận 507.861 cuộc gọi đến. Tư vấn 35.385 ca (tăng 5.878 ca so với cùng kỳ năm 2020; có 807 ca tư vấn liên quan đến COVID-19). Hỗ trợ, can thiệp 1.257 ca, trong đó có 1.033 ca tiếp nhận qua điện thoại, 194 ca thông tin từ báo chí, mạng xã hội, 09 ca qua đường công văn, 21 ca người dân gửi đơn thư tới; có 30 ca liên quan bảo vệ trẻ em trong COVID-19). Năm 2021, tỷ lệ các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực cao nhất trong các năm qua với 625 ca, chiếm 49,72% tổng số ca can thiệp, hỗ trợ.