Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm: Nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:18 - 31/12/2016
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao giải Nhất cho đội Tín dụng vi mô (Sóc Trăng) tại cuộc thi "Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”.
* Xin Thứ trưởng cho biết kết quả của Dự án hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2012 - 2015 đã tạo nên những thay đổi gì trong công tác giảm nghèo?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: - Chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 đánh giá hợp phần sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi muốn giảm nghèo bền vững căn cơ thì phải phát triển sản xuất. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy được sản xuất? Bởi thời gian qua, hỗ trợ người nghèo sản xuất kết quả không được như mong muốn. Hỗ trợ hiện vật cho bà con đã tạo ra sức ỳ, không phát huy được sự tham gia của người nghèo. Người nghèo không được bàn bạc, huyện mua gà, dắt dê phát cho từng nhà… từ tính thụ động như vậy lại làm thay người nghèo, nên ý thức quan tâm của chính người nghèo về những hiện vật được hỗ trợ không cao. Nguồn vốn làm xong chu kỳ ấy lại bay biến đi, không xoay vòng cho những hộ khác được hưởng lợi. Chính chúng ta làm thay người dân nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu phong tục tập quán, thiên nhiên khí hậu, địa hình….đưa vào không trúng, không hiệu quả. Các mô hình chúng ta đưa xuống cho dân chỉ quan tâm triển khai năm nào, ở đâu, giải ngân xong là xong, thiếu theo dõi, quản lý để nhân rộng mô hình đó ra.
Trong khi đó, dự án hỗ trợ giảm nghèo ngoài việc hỗ trợ cho Chính phủ, các bộ, ngành rà soát lại chính sách thì điều quan trọng nhất là đã phát huy nội lực của người nghèo, trao quyền cho người nghèo. Dự án có các mô hình giảm nghèo theo hướng mọi việc của người nghèo phải để cho người nghèo lo, người nghèo tự quyết định. Chúng ta chỉ hỗ trợ về môi trường pháp lý, về nguồn lực bằng cách cho vay, cho mượn... các chính sách hỗ trợ phù hợp còn người nghèo phải tự quyết định phương thức thực hiện. Người nghèo nuôi bò thì phải tự đi mua bò, họ nuôi lợn tự đi mua lợn, chúng ta không mua bò, mua lợn dắt vào tận nhà để cấp phát cho dân. Bởi nếu cứ làm thay người dân thì sẽ làm triệt tiêu động lực, tính năng động, chủ động của người nghèo.
Vay vốn ưu đãi nuôi hàu cho giá trị cao, tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ảnh: Trần Việt
Thông qua dự án hỗ trợ giảm nghèo, ngoài việc trao quyền thì sự kết nối giữa cán bộ làm giảm nghèo với người dân được diễn ra thường xuyên hơn thông qua các đối thoại chính sách, qua cuộc họp chung, diễn đàn. Dự án vừa nâng cao năng lực cho người nghèo vừa lắng nghe ý kiến của họ để phản ánh, để thay đổi chính sách.
Tôi đánh giá dự án này rất cao, chính kết quả của các mô hình này đã được khái quát lên và thể hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia là chúng ta có hẳn hợp phần nâng cao năng lực cho người nghèo, cho cộng đồng nghèo. Đối với người nghèo, đặc biệt là người nghèo vùng dân tộc thiểu số nói 10 không bằng chỉ cho người ta 1. Muốn tuyên truyền cho người dân thay đổi giống ngô mới có hiệu quả, năng suất cao thì phải có người trồng trước và cho hiệu quả thì người dân mới làm theo. Do đó, việc nhân rộng mô hình giảm nghèo, truyền thông rất quan trọng. Vì thế, thời gian tới, cần nâng cao năng lực cho người nghèo. Từ đó, tác động từ thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi. Đây là việc quan trọng và đặc biệt là phải đầu tư, tạo mô hình giảm nghèo hiệu quả do chính đồng bào dân tộc triển khai.
* Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về định hướng chuyển từ việc hỗ trợ trực tiếp, cho không sang hỗ trợ có điều kiện với người nghèo?
- Đây là định hướng về chính sách, chúng ta cũng thống nhất trong chỉ đạo là giai đoạn tới cần thay đổi chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo. Tức là thay vì có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, làm thay thì sẽ tạo cơ hội cho họ tiếp cận các nguồn lực, tự quyết định việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh, phụ thuộc vào năng lực, điều kiện của từng gia đình. Đó là cơ chế chúng ta sẽ áp dụng rộng rãi trong thời gian tới, giảm dần hỗ trợ cho không và gắn vào đó là những chính sách hỗ trợ cho điều kiện. Nhưng cho không cũng cần duy trì một số chính sách với những đối tượng cần thiết nhưng cũng phải có điều kiện, có thời gian chứ không phải là cho không mãi mãi.
Mô hình đan lát giúp chị em thoát nghèo. Ảnh: QĐ
Ngược lại, chúng ta tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi về lãi suất, thời gian vay, điều kiện, thủ tục, làm thế nào thực sự thông thoáng để người dân, đặc biệt là phụ nữ có thể tiếp cận thuận lợi.
* Sau quá trình thực hiện dự án, Thứ trưởng đánh giá thế nào về năng lực của người nghèo trong việc chủ động tham gia vào quá trình giảm nghèo?
- Triển khai dự án hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, nhìn chung người nghèo đã có sự tiến bộ ngay cả trong nhận thức, cách suy nghĩ, cách làm, kể cả cách chi tiêu trong gia đình. Tôi thấy những người nào được tham gia vào dự án đều có sự thay đổi rất đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, chúng ta phải làm thế nào để nhân rộng ra những mô hình của dự án, chứ nếu chỉ trong phạm vi của dự án thì tác động cũng hạn chế. Nhiệm vụ tới đây là khái quát, đánh giá mô hình hiệu quả để hướng dẫn cho các địa phương thực hiện bằng nguồn lực của chính chúng ta và nhân rộng ra.
Sức mạnh bên trong của người nghèo và các cộng đồng nghèo, kiến thức bản địa và sự sáng tạo vươn lên của họ nếu được huy động sẽ là yếu tố quyết định thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Từ việc thí điểm triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo cho thấy, người nghèo có thể trở thành đối tác bình đẳng trên thị trường với các sản phẩm có tính cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị là điều kiện sống còn để cải thiện sinh kế. Người nghèo có thể đi tiên phong trong quá trình phát triển.
* Thực tế, ở nhiều địa phương các chính sách giảm nghèo chưa có hiệu quả do người dân chưa chủ động, thậm chí còn có tình trạng đấu tranh để được vào danh sách hộ nghèo. Vậy phải giải quyết thực trạng này như thế nào?
- Qua các cuộc kiểm tra, đánh giá giám sát cùng với Quốc hội vẫn phát hiện ra tư tưởng không muốn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, thậm chí mình không phải là hộ nghèo nhưng cứ muốn được thôn, xã đưa vào diện nghèo. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ "cho không" cho người nghèo quá nên ai cũng muốn được hưởng. Thực sự ở nông thôn giữa nghèo và cận nghèo chênh lệch không nhiều. Cuộc sống người dân còn khó khăn nên cũng muốn vào diện nghèo. Thậm chí, năm nay vừa thoát nghèo nhưng chỉ qua một trận thiên tai thì hộ cận nghèo sẽ rơi vào diện hộ nghèo. Do đó, chỉ khi nào chúng ta thay đổi chính sách một cách căn bản, triệt tiêu tư tưởng trông chờ, muốn thụ hưởng những chính sách cho không của Nhà nước thì người dân mới có thể không có tư tưởng vào diện nghèo, chỉ muốn được Nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo. Đồng thời, phải làm tốt công tác truyền thông để người dân thấy rằng, nghèo cần phải có tự ái trong điều kiện mình mãi ở hộ nghèo, có thế họ mới có động lực thoát nghèo.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!