THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:25

Thu thuế người bán hàng trên mạng xã hội khó khả thi

 

Buôn bán nhỏ lẻ trên mạng xã hội lo lắng

Trong cuộc họp giữa Tổng cục Thuế và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hoạt động thương mại điện tử hiện nay hoạt động khá ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém nên cần có sự phối hợp của các ban ngành. Hoạt động bán hàng qua mạng xã hội Facebook rất sôi động nhưng hầu như chưa thu được thuế. Cơ quan chức năng sớm làm việc với Facebook để kiểm soát nguồn thu. Kiến nghị của Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều quan tâm từ dư luận. Trong khi hầu hết chuyên gia đều ủng hộ việc thu thuế đối với các giao dịch mua bán trên mạng xã hội thì, có ý kiến e ngại rằng nhiều giao dịch trên mạng xã hội làm sao kiểm soát thu thuế để đảm bảo sự công bằng.

Giới trẻ ngày càng ưa chuộng mua hàng trên mạng xã hội.

 

Chị Đồng Thanh Huệ, quê ở Bắc Giang và hiện đang làm việc tại Hà Nội. Nhà cách quê hơn 100 km nên cuối tuần gia đình chị thường về quê, tiện xe chị chở lên Hà Nội đủ thứ đặc sản ở quê, từ rau sạch cho đến thịt gà, thịt lợn,... để ăn trong cả 1 tuần và bán lại cho đồng nghiệp, hàng xóm. Hầu hết các loại rau và thực phẩm chủ yếu do mẹ chị Huệ trồng và nuôi nên được mọi người tin tưởng là hàng sạch. “Mỗi chuyến hàng từ quê lên tôi lại lên facebook, zalo giới thiệu để hàng xóm và đồng nghiệp biết và mua hàng. Mỗi chuyến hàng bán được khoảng vài triệu đồng. Số tiền lãi thu được đủ tiền xăng xe cho cả nhà về quê, đổi lại mọi người được dùng thực phẩm sạch, mẹ tôi bán được hàng và cả nhà được về quê. Nay nghe thông tin sắp tới bán hàng trên facebook bị thu thuế thì coi như lõm tiền xăng?”, chị Huệ băn khoăn.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, là chủ một chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch tại Hà Nội cho rằng, việc bán hàng và đóng thuế là đương nhiên. Công ty chị Nga vẫn giới thiệu sản phẩm trên facebook, khách đặt hàng sẽ giao và thanh toán qua chuyển khoản hoặc nhận hàng thanh toán bằng tiền mặt. Chị Nga cho rằng: “Việc thu thuế khi bán hàng qua Facebook chỉ quản được những đơn vị có thành lập doanh nghiệp chứ những cá nhân tận dụng trang Facebook để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và bán hàng cho những người thân quen thì không thể được. Mặt khác, đa số người tiêu dùng mua hàng đều không yêu cầu có hóa đơn. Có trường hợp người dùng mua sản phẩm thấy tốt, chia sẻ để bạn bè biết và nhờ mua, không lấy lãi… thì những trường hợp đó không có căn cứ gì và khó để thu thuế”.

Mọi giao dịch buôn bán đều phải chịu thuế, kiểm soát

Theo một số chuyên gia, ban đầu chỉ sàng lọc những người kinh doanh có doanh số cao, bán những sản phẩm giá trị lớn, có thể trên 1 triệu đồng/món như điện thoại, sữa hộp, thực phẩm chức năng... Hoặc sàng lọc dựa trên các tiêu chí như tiếng tăm của người bán trên cộng đồng mạng, số lượt view, lượt like, số người theo dõi... Việc này cần kết hợp với các chuyên gia về công nghệ, về thương mại điện tử sẽ có hiệu quả. Cơ quan thuế và thương mại kết hợp để mời những người kinh doanh này đến, giải thích chính sách thuế, hỗ trợ thủ tục cho người ta đăng ký hộ kinh doanh, khai thuế, cho người kinh doanh biết rõ doanh số bao nhiêu thì mới phải nộp thuế, cách tính thuế như thế nào...

Bán hàng trên mạng xã hội đang nở rộ.

 

Hiện có rất nhiều người dùng Facebook để bán hàng, công khai cả tài khoản ngân hàng. Do đó cơ quan thuế có thể phối hợp cùng ngân hàng xác minh người kinh doanh đó có đăng ký kinh doanh hay chưa, thông qua tài khoản để xác minh thu nhập, dùng đó làm cơ sở để xác định một phần doanh số. Tuy mạng ảo nhưng thông tin người bán đều là thật cả. Còn những người buôn bán vặt trên mạng xã hội không cần phải quá lo lắng về việc bị thu thuế. Doanh số phải vượt ngưỡng thu thì mới bắt đầu thu. Những người buôn bán “vặt”, tự xem là nhỏ, dưới ngưỡng 100 triệu đồng/năm thì có khai báo, có đăng ký cũng không phải nộp thuế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chủ trương đánh thuế người buôn bán kinh doanh trên mạng xã hội là hợp lý và cần thiết phải có các quy định, biện pháp cùng công cụ kiểm soát. Có cách để kiểm soát được hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội nhưng phải trên nguyên tắc mọi giao dịch buôn bán đều phải chịu thuế, kiểm soát hay không kiểm soát thì người dân và các doanh nghiệp đều ý thức là phải đóng thuế. Mỗi người dân luôn ý thức là phải khai thuế cho tất cả các giao dịch phát sinh lợi nhuận. Chính phủ cũng có thể làm việc với Facebook để kiểm soát hoạt động kinh doanh bán hàng trên đó. Cũng có những giao dịch mà người mua và người bán thông đồng với nhau và trong trường hợp đó thì rất khó kiểm soát.

Theo số liệu thống kê, 90% người mua sắm trên mạng xã hội thanh toán sau khi nhận hàng. Thanh toán qua Internetbanking/thẻ tín dụng/thẻ ATM chiếm 15% và phương pháp giao hàng phổ biến nhất hiện nay vẫn chủ yếu bằng phương tiện xe máy hoặc chuyển phát nhanh. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết hiện cơ quan này đang nghiên cứu, sắp tới sẽ có hướng dẫn thu thuế cụ thể đối với kinh doanh trên mạng. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nhằm đảm bảo tránh thất thu thuế và công bằng xã hội.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh