THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:15

Thu thuế các "ông lớn" Facebook, Google, Microsoft... được hơn 5.111 tỷ đồng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thu trung bình trên 1.100 tỷ đồng/năm

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, trên cơ sở khai thác thông tin, hiện nay, tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Trên cơ sở đó, cơ quan Thuế đã thực hiện quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.100 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 5.111 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.965 tỷ đồng; Google là 1.900 tỷ đồng; Microsoft là 651 tỷ đồng.

Năm 2018 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới đạt 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2022 đạt 437 tỷ đồng.

Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, lũy kế đến hết tháng 4/2022 (số liệu cập nhật đến ngày 23/5/2022) cơ quan thuế đã thu được số thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu là khoảng 735 tỷ đồng (số thu 4 tháng đầu năm 2022 đạt 176 tỷ đồng).

Tăng cường công tác quản lý TMĐT

Để có được kết quả này, thời gian qua Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin.

Theo đó, các bộ, ngành đã thống nhất nguyên tắc phối hợp trong công tác quản lý TMĐT như chia sẻ cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin và phối hợp sửa đổi chính sách pháp luật để tăng cường công tác quản lý TMĐT nói chung và quản lý thuế nói riêng.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế để hỗ trợ nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu xây dựng giải pháp kỹ thuật, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT và thông tin từ các cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với TMĐT.

Đáng chú ý, cơ quan Thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT. Thông tin quản lý rủi ro được xử lý tập trung tại Tổng cục Thuế và được thu thập từ các nguồn như: hệ thống thông tin trong cơ quan huế; từ bộ, ngành có liên quan; từ tổ chức, cá nhân, người nộp thuế có liên quan;

Từ cơ quan thuế các nước, tổ chức hợp tác quốc tế về thuế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; mua thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Tổ chức dữ liệu dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh