CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Thu thuế bán hàng online: Khó thực hiện

 

Bài toán khó

Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến, Bộ này đánh giá, thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thật nhanh chóng.

Theo cơ quan quản lý, giao dịch thương mại điện tử có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên tạo sự khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch. Từ đó, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý như khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh, nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh, nắm bắt toàn bộ quá trình giao dịch… Do đó, với các cá nhân bán hàng qua mạng, phía đại diện của Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định pháp luật liên quan về chính sách thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân này.

Cụ thể, cơ quan chức năng đề xuất, một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % và không thu thuế đối với một sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần. “Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định” dự thảo nêu.

 

 

Hồi tháng 6, cả hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đã triển khai việc thu thuế đối với những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán hàng online. Theo đó các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… sẽ phải tiến hành kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình đối với cơ quan thuế. Cụ thể,  Cục Thuế TP. Hà Nội đã gửi tin nhắn SMS tới 13.422 chủ tài khoản Facebook để hướng dẫn việc truy cập trang thông tin của cơ quan thuế để tiến hành kê khai và  Cục Thuế TPHCM đã gửi thư mời hơn 13.000 chủ tài khoản Facebook tại TP.HCM có hoạt động kinh doanh trên Facebook đến làm việc.

Thế nhưng hơn 4 tháng triển khai việc thu thuế với các cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng xã hội, lãnh đạo ngành thuế 2 thành phố này thừa nhận, hiệu quả thu được không cao và phải trông chờ vào ý thức tự giác của người kinh doanh.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, đến hết tháng 9, có khoảng 3.000 cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng xã hội đã có phản hồi với cơ quan thuế so với số lượng hơn 13.000 thư mời phát đến nhóm đối tượng này. Đa phần các cá nhân, tổ chức phản hồi đều kê khai có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, nghĩa là không phải thực hiện nghĩa vụ thuế. “Chỉ một số rất nhỏ kê khai có doanh thu trên mức bắt đầu chịu thuế. Chính vì vậy, số thuế thu được không nhiều”, bà Hương nói.

Sẽ có “muôn kiểu” trốn thuế

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, Dự thảo chống thất thu thuế này là bất khả thi vì thu thuế thật còn khó thì thu trên Facebook sẽ còn khó hơn. Nhiều chiêu trốn thuế cũng được chỉ ra như bán hàng online chỉ quảng cáo sản phẩm còn giá cả thì cứ inbox; ghi giá dưới 999.000 đồng; thậm chí giá cao vút nhưng là giá k như 999. 999. 999k cũng không bị đánh thuế vì tiền Việt Nam tính bằng VNĐ không tính bằng k; Biết ai mua ai bán mà thu... trên Facebook trăm người hỏi, một vài người mua có khi còn bị trả lại họ có xuất hóa đơn đâu mà biết để thu thuế…

Theo chị Nguyễn Thị Nga, chuyên kinh doanh các sản phẩm gia dụng trên Facebook nói chung tỷ lệ giao dịch trên mạng xã hội thành công không nhiều. Các mặt hàng mình đưa lên để giới thiệu sản phẩm là chủ yếu ai có nhu cầu mua thực sự mình sẽ inbox để báo giá hoặc giao dịch qua điện thoại, vì vậy cơ quan thuế khó có thể xác định được giao nào thành công hay không và giá trị tiền là bao nhiêu để thu thuế.

Anh Tuấn Anh - một người chuyên cung cấp đồng hồ online cho biết, đã được cơ quan thuế ở Hà Nội gọi điện “hỏi thăm” và cũng đã làm một số thủ tục kê khai thuế. Tuy nhiên, anh cho rằng với đề xuất trên, anh sẽ phải tính cách để “né thuế” và sẽ không thiếu cách lách để giảm doanh số tính thuế như giao dịch tiền mặt, “chuyển tiền cho người thân”…

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, việc quản lý thu thuế đối với các cá nhân bán hàng qua mạng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế. Tuy nhiên, cái khó nằm ở việc triển khai. Quy định về việc “một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân” đương nhiên cũng sẽ rơi vào bế tắc nếu ta không thể biết được người bán giao dịch bao nhiêu lần.

 

 

Ngôn ngữ được sử dụng trên mạng cũng cần là điểm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của quy định. Luật của chúng ta quy định về tiền mệnh giá theo đơn vị là VNĐ, nhưng các bài bán hàng trên mạng, hàng hóa được bán đề là K, M,… Xét theo quy định thì sẽ căn cứ xử lý trường hợp này ở đâu. Và đối với cả những của hàng vừa kinh doanh offline, vừa kinh doanh online, nếu chúng ta tính thuế như trên, thì sẽ dẫn tới cả hiện trạng thu thuế hai lần. Bất công, không công bằng hoàn toàn có thể xảy ra. Quá nhiều bất cập, người chủ bán hàng trực tuyến có thể lấy đó làm lý do để tiếp tục tìm ra những chiêu thức lách thuế, trốn thuế…

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, kinh doanh phải đóng thuế là rất đúng. Tuy nhiên, truy tìm người bán hàng qua mạng không dễ “soát” hết trong một sớm, một chiều. Rất khó tách bạch rạch ròi giữa doanh thu online và offline nên khó xác định đúng, đủ doanh thu để tính toán thuế. “Chỉ có thể thu thuế khoán trên mỗi tài khoản Facebook chứ khó có thể xác định được thu nhập cụ thể. Do đó, việc đánh thuế kinh doanh online cần sự tự nguyện của chủ tài khoản. Khi nói đến sự tự nguyện thì lại rất khó. Chính vì vậy, tôi cho rằng, nói rất dễ nhưng làm thì lại rất khó”, Luật sư Ứng nói.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh