CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:14

Thủ phủ trầm hương: Bí quyết biến trầm thành tiền tỉ

 

Hương thơm lan tỏa khắp cung cấm

Đã có nhiều người đến Khánh Hòa tìm hiểu về những thăng trầm của “làng trầm hương”, nhưng họ chỉ tìm được mặt nổi còn ít biết về những ẩn tích sâu xa. Trầm bây giờ cũng chẳng còn nhiều.

Thế nhưng, sức hấp dẫn từ nó thì vẫn vẹn nguyên. Làng trầm hương có tên gọi hành chính là xóm Đồn (thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Nhớ mãi trong lần về đại nội của Huế tìm hiểu về các phái võ đào tạo thị vệ cho cung cấm, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe cung phi cuối cùng của triều Nguyễn là bà Nguyễn Thị Vui rành rẽ khá nhiều chuyện về trầm hương.

Vậy là, từ những thời vua chúa loại gỗ mỹ nghệ đặc biệt này đã hiện hữu và thành vật quý án ngữ trong cung. Lần ấy, bà Vui kể: “Cũng tình cờ, trong một lần vua Gia Long được người dân ở xứ Bình Định, Khánh Hòa dâng tặng cho một bộ sập, một con rồng điêu khắc bằng gỗ rất tinh tế.

Khi đặt những lễ vật này vào cung cấm thì mùi hương của nó tỏa ra rất dịu ràng và lan đi khắp nơi khiến cho nhà vua rất ưng ý. Ngay sau đó, nhiều lễ vật khác bằng loại gỗ này tiếp tục được lần lượt đưa vào những vị trí quan trọng trong cung để trưng bày.

Ngay trên giường ngủ của vua Gia Long cũng có một con rồng bằng trầm hương”. Lời tâm sự của bà Vui còn được ông Hồ Sừng (hậu duệ của tổng giáo đầu triều Nguyễn - Hồ Ngạnh) củng cố thêm rằng; “Chúng tôi nhớ rất rõ, nhiều câu chuyện được truyền lại một cách chính xác, đội quân thị vệ nhiều lần được vua cử đi săn trầm hương về làm vật trang trí.

Có những chuyến đi săn loại gỗ này kéo dài hàng tháng trời. Ngày đó trầm hương còn nhiều, giờ thì hiếm hoi chẳng khác gì sâm quý”. Bây giờ cũng vậy mà xưa kia cũng vậy, trầm hương ở Khánh Hòa tập trung nhiều trong những cánh rừng nguyên sinh, nhất là khu vực Đèo Cả, dọc dãy Trường Sơn Đông, thuộc lâm phần của các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh.

Khi chế tác thành những tác phẩm tinh xảo, mỗi cây trầm hương xuất ngoại có thể thu về tiền tỷ.

Thế nhưng trong ký ức của ông Trần Huy Độ và nhiều người già ở xóm Đồn thì chính Hòn Chảo (thuộc huyện Vạn Ninh) mới là nơi quy tụ nhiều trầm hương nhất. Xưa, có những đợt cao điểm hàng trăm người kéo vào khu vực này kiếm tìm .

Cũng vì thế mà loại cây đặc biệt này cũng đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cũng theo nhiều người già ở Vạn Giã, từ thời vua chúa, trầm trong rừng có nhiều đấy nhưng khi biết đó là một loại sản vật quý nhà vua liền sai quân đến canh giữ.

Người dân chỉ được lấy những cây trầm xấu, còn cây đẹp phải mang về cống nạp cho triều đình. Nếu làm trái quy định sẽ bị xử tội ngay. Ông Tùng, một người khá sành sỏi về trầm hương kể: “Ngày đó đội canh tuần của cung cấm suốt ngày đêm thay nhau đứng ở các cổng rừng nên làm gì có ai dám tự tiện đi lấy đâu.

Khi Pháp xâm chiếm thì lại phải cống nạp cho chúng. Cuối cùng người dân vẫn thiệt nhất”.

Hiện thân của thần Y A Na và huyền bí đêm hành lễ

Những ngọn nến được thắp lên sáng rực. Hình nộm tượng trưng cho thần Y A Na được dựng lên ở vị trí trang trọng nhất, những người thợ tìm trầm vây quanh thần Y A Na cúi đầu cầu khấn.

Đây là nghi lễ đã được hình thành từ rất lâu. Bởi sao? Vì những người thợ tìm trầm họ cho rằng, sản vật quý này, loại cây đặc biệt này được mọc lên cũng nhờ thần Y A Na yểm hộ.

Từng là một thánh nữ lộng lẫy với xiêm y ngát hương nên nhiều người tin tưởng, trầm hương chính là sự hiện thân của thần Y A Na nên họ phải xin phép, phải cầu khấn vị thần này trước khi lên đường đi “ngậm ngải tìm trầm”. Trần Văn Hùng, một trong những “ông trùm” về trầm ở Vạn Ninh thổ lộ với tôi rằng: “Báng bổ chưa hẳn đã tốt.

 Nếu như niềm tin khiến cho người ta có sức mạnh thì tại sao lại không tin. Hơn nữa niềm tin này rất linh thiêng, không ngẫu nhiên mà người ta lại truyền tai nhau về mối quan hệ giữa trầm hương và thần Y A Na được”.

Những cây dó bầu trồng thường cho trầm không nhiều và chất lượng như mọc tự nhiên.

Khi loại cây đặc biệt này còn nhiều, sau mỗi đêm hành lễ, những người đi tìm trầm thường kết thành đoàn ít nhất 5 người. Họ cho rằng, những bất trắc từ thiên nhiên hay trộm cướp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu đi đơn lẻ thì khó bề mà ứng phó cho kịp khi có sự cố xảy ra.

Vậy, trong đêm hành lễ, người ta đã nói gì?. Họ khấn rằng: “Hỡi thánh Y A Na, trầm hương là hiện thân của Người. Đây chính là xứ sở của Người. Chúng con chỉ đi lấy những cây đã hóa trầm, không làm tổn hại các cây non, không làm kinh động muôn thú, không đào xới làm tan nát rừng già.

Nếu thấu hiểu được lòng này, thánh Y A Na hãy phù hộ”. Trong lúc hành lễ mọi người sôi sục lên một niềm tin rằng; nếu thánh Y A Na không thương thì trầm ngay trước mặt cũng không nhìn thấy. Trước ngày vào rừng, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mang theo thức ăn, tuyệt nhiên không săn thú.

Trong tâm luôn cầu nguyện, khi xâm nhập vào cuộc tìm kiếm, hễ tìm được cây dó bầu toàn thân đã bung lên những vết sù xì nghĩa là đã có trầm thì thợ trầm mới lấy.

 Đặc biệt, trước khi lấy bất cứ một cây trầm nào, những người thợ săn trầm phải lập đủ 15 bàn cúng, cầu xin cửu thiên huyền nữ, Thiên y thánh mẫu, Sơn lâm chúa tướng, Tam cõi hội đồng, Sơn thần thổ địa, Âm binh bộ hạ, Tướng phái tả hữu....

Ông Trần Thanh, ở thị trấn Vạn Giã người từng có nhiều năm vào núi săn trầm tâm sự: “Ngày xưa lòng tham lam chưa lớn như bây giờ, niềm tin lớn hơn. Có người vô tình đốn phải cây trầm non đã sám hối hàng ngày trước thánh Y A Na rồi mới xuống núi. Trầm hương thời đó săn được chủ yếu bán cho các quan Tây. Đặc biệt những người săn trầm không bao giờ tiết lộ những khoảnh rừng có trầm cho bất kể ai xa lạ biết”.

Bí quyết biến trầm thành tiền tỉ để “xuất ngoại”

 Cây trầm hương sinh ra từ cây dó bầu. Cũng giống như ngọc trai, khi cây dó bầu phát triển đến một ngưỡng nào đó thì sinh ra trầm. Cách khai thác trầm cũng đầy công phu.

 Khi đoán định được những cây dó bầu đã bước vào tuổi sinh trầm, lựa chọn thời điểm thích hợp thường vào mùa xuân, người dân mang dao khía một rãnh dài trên cây để trầm dần ló ra.

Khi trầm ló ra nhiều và biết chắc chắn đã có thể khai thác được thì người dân mới đốn cả cây về. Có những cây dó bầu cho lượng trầm rất lớn vài người ôm không hết nhưng cũng có những cây chẳng có ít trầm nào. Anh Đức, một thợ tìm trầm cho rằng: “Giống như con trai, không phải con nào cũng có ngọc.

Dó bầu cũng thế thôi. Có lần chúng tôi thám thính hàng chục cây dó bầu nhưng không hề có một cây nào có trầm cả. Vị trí rậm rạp và nhiều dây leo, trầm thường phát triển mạnh hơn và nhanh chóng lột xác khỏi cây dó bầu”.

Lợi lộc từ trầm hương quá lớn nên giờ đây không chỉ có dó bầu mọc tự nhiên trong rừng mà người dân còn đua nhau trồng. Bí quyết trồng và công phu chăm sóc chỉ được những người dân ở đây rỉ tai nhau, vì họ luôn nơm nớp lo sợ xứ khác trồng được thì họ lại có thêm đối thủ cạnh tranh.

Nếu là dó bầu trồng thì ít nhất 11 năm tuổi ngọn gió bầu mới há ra và mọc lên trầm hương từ đó. Sau khi trầm hương ló lên không thể khai thác được ngay mà phải dùng một loại thuốc đặc biệt phun lên ngọn trầm hàng ngày, cứ làm vậy khoảng một năm sau thì mới khai thác.

Một cây trầm như thế bán được với giá khoảng 60 triệu đồng. Bán trầm thô không được lời nhiều nên người dân nơi đây nảy ra sáng kiến chế tác thành những món đồ mỹ nghệ lộng lẫy và độc đáo để bán. Lúc này thì mỗi cây trầm phải có giá hàng trăm triệu.

Bí quyết chế tác các cây trầm này cũng được nhiều người thợ giữ rất kín kẽ. Ông Hùng cho rằng: “Ai cũng phải có một ngón nghề riêng mới làm ra sản phẩm khác biệt được chứ.

Đồ mỹ nghệ từ trầm hương không đắt đỏ như kỳ nam, nhưng nếu biến hóa thành hình thù độc đáo sẽ được các đại gia săn lùng ráo riết. Thậm chí nhiều cây trầm được chế tác đặc biệt, còn được “xuất ngoại” đi khắp nơi khi có khách hàng yêu cầu”.

Chỉ vào một cây trầm hương đã được chế tác, phủ sơn đen nhánh, mùi hương bốc lên ngào ngạt, thợ chế tác Nguyễn Hoàn khẳng định; “Đã có Việt kiều đặt mua 180 triệu đồng rồi nhưng chưa muốn bán.

Cứ mỗi năm mà chế tác được 10 cây như thế này thì kiếm được tiền tỷ như chơi. Nhưng giờ loại trầm hương tốt cũng hiếm lắm, do dó bầu trồng ở đất cát và đất thịt nên lượng trầm không như xưa, chỉ kéo khách lại bằng bí quyết của những bàn tay tài hoa mà thôi”.

Đông Hưng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh