Thu nhập tới 245,7 triệu đồng/tháng ở công ty bảo dưỡng máy bay miền Nam
- Huyệt vị
- 13:28 - 22/10/2018
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH mới đây đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty liên kết.
Các bản kết luận thanh tra này đã cho thấy mức thu nhập của người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp dịch vụ hàng không này.
Theo đó, tại ACV có 9.312 lao động với mức thu nhập trung bình năm 2017 là 27,4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, người cao nhất đạt 121,4 triệu đồng, thấp nhất là 12,9 triệu đồng. Khối văn phòng của tổng công ty có lương cao hơn lao động tại các cảng hàng không với thu nhập trung bình là 45,8 triệu đồng/người/tháng. Người quản lý chuyên trách là người đại diện vốn nhà nước hưởng mức lương 146,6 triệu đồng/tháng.
Hoạt động bảo dưỡng máy bay tại sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: Dương Ngọc.
Tuy nhiên, đơn vị có lao động hưởng thu nhập cao nhất tại nhóm công ty dịch vụ hàng không này thuộc về Công ty TNHH Dịch vụ bảo dưỡng máy bay cảng hàng không miền Nam, công ty liên kết của ACV. Thu nhập bình quân của lao động tại công ty chuyên bảo dưỡng máy bay này năm 2017 lên tới 33,6 triệu đồng/người/tháng, mức thu nhập bình quân cao nhất trong số các công ty thành viên thuộc ACV.
Người lao động có mức thu nhập cao nhất tại công ty này là 245,7 triệu đồng/tháng, như vậy lao động này nhận về tới gần 3 tỉ đồng cả năm. Mức thu nhập thấp nhất ở công ty này là 8,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhiều lao động tại các công ty thành viên khác cũng đang hưởng mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Tại Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội, nơi ACV đang nắm giữ 20% vốn doanh nghiệp hiện có khoảng 864 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 12,3 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, mức thu nhập cao nhất của nhân sự lên tới 156 triệu đồng/tháng, tương đương 1,9 tỉ đồng/năm.
Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (chi nhánh của ACV), mức thu nhập bình quân của lao động tại đây mỗi tháng năm 2017 là 25,6 triệu đồng, trong đó người cao nhất là 115 triệu đồng/tháng, người thấp nhất đạt gần 20 triệu đồng/tháng.
Còn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người lao động tại đây đang hưởng mức thu nhập bình quân khoảng 24,7 triệu đồng/tháng. Người lao động có thu nhập cao nhất tại đây đang được chi trả 107 triệu đồng/tháng. Còn lao động có thu nhập thấp nhất là hơn 15,5 triệu đồng/tháng.
Làm việc tới 15 giờ/ca
Tại các kết luận này, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm của ACV và các đơn vị thành viên liên quan tới công tác sử dụng lao động, chi trả lương ngoài giờ, tăng ca và thời gian làm việc của nhân viên.
Đặc biệt, tại Chi nhánh Tân Sơn Nhất, thanh tra Bộ cho biết người lao động thuộc bộ phân công nghệ thông tin và vận hành thiết bị ga quốc nội thuộc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật hàng không đang phải làm việc tới 15 giờ/ca (từ 16 giờ 30 đến 7 giờ 30 sáng hôm sau). Cùng với đó, việc áp dụng giờ làm việc 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần đối với những người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây thông tin liên lạc hàng không là không đúng quy định.
Về vấn đề tiền lương, nhiều lao động làm công việc vệ sinh công nghiệp trên cao có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng chỉ được chi trả mức lương như công việc vệ sinh văn phòng làm việc trong điều kiện bình thường. Tại 2 chi nhánh Nội Bài và Tân Sơn Nhất, người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, Tết chỉ được trả lương 100% tiền so với ngày thường; làm thêm giờ vào ban đêm của ngày lễ, Tết được trả bằng 130% là không đúng quy định.
Người đại diện vốn của ACV giữ chức vụ tổng giám đốc tại Công ty cổ phần Dịch vụ nhiên liệu hàng không Nội Bài đã được hưởng lương chuyên trách tại công ty này nhưng ACV vẫn chi thù lao chuyên trách là không đúng quy định.
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác chi lương, thưởng, khám sức khoẻ, công tác an toàn lao động và giờ lao động cho nhân viên tại các chi nhánh, công ty thành viên do ACV sở hữu vốn như Công ty TNHH Dịch vụ bảo dưỡng máy bay cảng hàng không miền Nam; Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội hay Công ty cổ phần Dịch vụ nhiên liệu hàng không Nội Bài.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết tại cả 3 chi nhánh của ACV, bao gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, chưa có báo cáo định kỳ về tình hình thay đổi lao động 6 tháng đầu năm cũng như hàng năm với cơ quan quản lý Nhà nước. Tại một số vị trí lao động không cấm nữ giới như nhân viên kỹ thuật điện tử, kỹ thuật cơ sở, phòng cháy chữa cháy… lại thông báo chỉ tuyển dụng nam giới. Việc hủy bỏ kết quả trúng tuyển hoặc đào tạo lại, kéo dài thêm thời gian thử việc do tổng giám đốc quyết định với người lao động không đạt kết quả thử việc theo yêu cầu cũng chưa đúng với quy định của pháp luật.
Chi nhánh Tân Sơn Nhất đang áp dụng thời gian thử việc 28 ngày với vị trí làm công việc vệ sinh môi trường khu bay và thử việc 30 ngày với người lao động làm việc vệ sinh sân đỗ là không đúng quy định. Đây là những vị trí làm công việc vệ sinh môi trường không cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Còn tại chi nhánh Đà Nẵng, áp dụng thời gian thử việc 60 ngày đối với tất cả các công việc cũng không đúng.
Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Tiến Tùng yêu cầu ACV khắc phục những thiếu sót, sai phạm và có báo cáo bằng văn bản về Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH. Tổng giám đốc ACV có trách nhiệm phổ biến các sai phạm đã được nêu đối với các đơn vị chưa được thanh tra, yêu cầu tự rà soát, khắc phục các sai phạm tương tự; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách lao động, tiền lương đối với các đơn vị trong Tổng công ty nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh; đôn đốc, giám sát các đơn vị được thanh tra thực hiện các kiến nghị trong kết luận thanh tra. |