THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 02:57

Thu nhập của người lao động đạt 5,5 triệu đồng/tháng

 

Đây là kết quả Khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018 của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) công bố ngày 12/7, tại Hà Nội.

Khảo sát được Viện Công nhân công đoàn thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội; Hải Phòng; Bắc Ninh; Vĩnh Phúc; Lạng Sơn; Tuyên Quang; Hà Nam; Ninh Bình; Hòa Bình; Nghệ An; Thanh Hóa; Đà Nẵng; Thừa Thiên Huế; Quảng Nam; Phú Yên: Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đồng Nai; Bình Dương; TP.Hồ Chí Minh; Cần Thơ; Đồng Tháp; Kiên Giang; CĐ ngành Xây dựng; CĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam.

 

Thu nhập người lao động tăng 1,4% so với năm 2017.

 

Kết quả khảo sát cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống), có 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả như sau: 17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

Tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Với mức tổng thu nhập như vậy, tiền lương cơ bản chiếm 84,4%.

Khảo sát còn cho thấy, so với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. Nhưng nhìn chung, đa số người lao động cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống.

Khi tìm hiểu những về thái độ của người lao động, những khó khăn, bức xúc liên quan đến tình hình việc làm, tiền lương và thu nhập tại doanh nghiệp, khảo sát cho thấy, người lao động còn gặp rất nhiều bức xúc. Trong đó, bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống chiếm tỉ lệ cao nhất (25,7%). Các nội dung khác (làm thêm giờ, tăng ca nhiều; định mức lao động (mức khoán) cao; trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra; trả lương không công khai, minh bạch; không thực hiện nâng lương định kỳ), tỉ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của người lao động với các nội dung liên quan.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động  và đình công vẫn còn xảy ra. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động tháng đầu năm 2018, cả nước có 131 cuộc đình công, trong đó các doanh nghiệp FDI là 103 cuộc, chiếm 78,6%; ngành dệt may 48 cuộc, chiếm 36,6 %; giày da có 27 cuộc, chiếm 20,6%; điện tử 20 cuộc, chiếm 15,3%.

Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, người lao động cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỷ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỷ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.

Cũng theo kết quả điều tra của Viện Công nhân công đoàn, mức chi tiêu tối thiểu của các hộ gia đình có 4 người (2 lao động có thu nhập và 2 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng) trung bình là 7.241.000 đồng. Bên cạnh đó, mức sống tối thiểu của người lao động có nuôi con theo tính toán của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2019 là: Vùng I: 4.540.000 đồng; vùng II: 3.830.000 đồng; vùng III: 3.400.000 đồng; vùng IV: 3.135.000 đồng.

Theo ông Vũ Quang Thọ Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng thang, bảng lương, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 92,1%; dân doanh là 90,6%; doanh nghiệp FDI là 88,0%.

Về hình thức, quy chế trả lương, có 61% người lao động được trả lương theo thời gian, 31,4% được trả lương theo sản phẩm, và 7,6% được trả lương theo hình thức hỗn hợp. Các doanh nghiệp cũng thực hiện nâng lương định kỳ theo thang, bảng lương cho người lao động, hoạt động này được thực hiện tốt hơn ở các doanh nghiệp nhà nước, song thời hạn nâng lương lại dài hơn các loại hình khác, thường là 2-3 năm/lần. Các doanh nghiệp FDI và dân doanh thường nâng lương theo mức độ hoàn thành công việc, xếp loại hàng năm, thời hạn xét nâng lương cũng ngắn hơn, mức tăng trung bình 5%/bậc.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh