THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:41

Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần

Hỗ trợ hơn 13 nghìn dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; tổng kinh phí thực hiện là 8 nghìn tỷ đồng. Hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm. Hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.

Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần  - Ảnh 1.

Nhiều mô hình giảm nghèo giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay tại địa phương.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, ĐBKK; nhiều địa bàn nghèo đã nỗ lực thoát nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tổng số khoảng 18 nghìn công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15 nghìn công trình; khoảng 7 nghìn công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, theo tổng hợp từ các địa phương, có 32 huyện nghèo, 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đối với các xã, thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 550 xã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Phong trào thi đua: Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau"do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Các cấp, các ngành, người dân và đặc biệt là người nghèo đã nỗ lực, thi đua thực hiện Phong trào; phong trào thoát nghèo đã được nhiều người nghèo thực hiện trên phạm vi cả nước, nhiều tấm gương sáng nổi bật, điển hình trong cộng đồng như cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; 25 hộ tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và nhiều tấm gương sáng, điển hình thoát nghèo khác trên cả nước.

Cùng với đó, chú trọng tổng kết đánh giá thực tiễn thực hiện công tác giảm nghèo; đổi mới tư duy, cách thức giảm nghèo phù hợp với tình hình mới. Quyết liệt đổi mới tư duy, cách thức giảm nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ; với thực trạng nghèo và đặc điểm vùng, miền; từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ "cho không"; thực hiện mô hình tạo việc làm công, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, phát huy tính chủ động, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo, cộng đồng nghèo.

Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân nhận giúp đỡ hộ nghèo thông qua việc "hiến kế" giúp hộ nghèo tổ chức lại cuộc sống, phân công lao động, thực hiện kế hoạch thoát nghèo. Đồng thời, kịp thời ban hành tham mưu, ban hành các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm người nghèo tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Thành quả về giảm nghèo là kết quả của quá trình nỗ lực, kiên trì của cả hệ thống chính trị; bạn bè quốc tế đánh giá đây là một trong những thành công nổi bật nhất, ý nghĩa nhân văn nhất của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, người nghèo được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế một cách rõ nét.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kết quả giảm nghèo còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm). Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019).

Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 của Quốc hội đặt ra nên việc thoát nghèo không bền vững, người dân dễ tái nghèo.

Nguồn lực thực hiện Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả. Tỷ lệ các công trình giao cho cấp xã làm chủ đầu tư ở một số địa phương còn thấp, vai trò làm chủ đầu tư thực chất của xã còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao. Tại một số địa bàn (đặc biệt ở vùng miền núi DTTS), hoạt động hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn khó thực hiện.

Việc hướng dẫn và triển khai chương trình, chính sách còn chậm. Tình hình thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; dịch bệnh, quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người lao động. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo và phát huy tính chủ động của người nghèo còn hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ ở khu vực địa bàn nghèo, ĐBKK.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh