THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:23

Thủ môn Đặng Kiều Trinh: Mơ World Cup, em chưa vội lấy chồng

  

 

Đường đến khung thành

15 tuổi, Kiều Trinh khăn gói lên TP.Hồ Chí Minh để xin thi tuyển vào đội bóng nữ thành phố. Hồi đó Trinh rất thần tượng đàn chị Kim Hồng, nên quyết tâm theo bằng được nghiệp “quần đùi áo số”. Dù bố mẹ can ngăn, nhưng cô gái quê Đồng Tháp vẫn năn nỉ bằng được. Thế rồi chỉ đến khi thấy con gái mê quá, thấy mấy thầy về xin cho Trinh được lên thành phố để phát triển sự nghiệp, ba má Trinh mới gật đầu.

Những hình ảnh đẹp của bóng đá mà Trinh xem trên sân cỏ cũng như ti vi đã được thay bằng những bài kiểm tra, những bài tập đầy khắc nghiệt. Với một cô bé 15 tuổi như Kiều Trinh, đó thực sự là một thử thách quá lớn. Cũng chính vì sợ tranh bóng mà Trinh đã xin làm thủ môn. Ai ngờ Trinh lại rất có năng khiếu với vị trí “gác đền”. Sự tình cờ đó đã tạo nên một thủ môn xuất sắc nhất Đông Nam Á, thậm chí là châu Á như bây giờ.

 

 

Trinh kể, ngày mới tập bóng đá, chân tay bầm rập, còn mặt mũi đen thui vì nắng. Song cũng từ những ngày khổ luyện đó mà Kiều Trinh tiến bộ vượt bậc. Cô sớm được gọi vào đội trẻ, được bắt chính ở đội 1 và được gọi lên ĐTQG. Đó là hành trình dài gần chục năm với Kiều Trinh.

SEA Games 25 diễn ra tại Lào, Trinh thành người hùng trong trận quyết định với Thái Lan khi đẩy được quả 11m quyết định. Ít ai biết rằng để đứng vững trong khung thành đến những phút cuối cùng, Trinh đã phải cắn răng chịu đau vì 2 đầu gối bị đứt gần hết dây chằng. Trải qua nhiều kỳ SEA Games được bắt chính, Kiều Trinh đã có 3 HCV tại SEA Games 2005, 2009 và 2017. Ngoài ra còn rất nhiều chức vô địch Đông Nam Á, 2 lần được trao Quả bóng vàng Việt Nam, 6 lần giành danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải VĐQG và đặc biệt là danh hiệu thủ môn nữ xuất sắc nhất lần đầu tiên được Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á trao tặng năm 2013.

Mải đá bóng, quên lấy chồng

Cứ đến dịp 8/3 hay sinh nhật, bạn bè, đồng đội đều đặt câu hỏi với Kiều Trinh: “Năm nay có ai không?”. Câu hỏi ấy đã theo Trinh suốt nhiều năm qua, và cô cũng luôn trả lời như một cái máy: “Lấy chồng vội làm gì, để lời ru thêm buồn”.Từng một thời Trinh rất đẹp - nét đẹp của tuổi 20. Cao ráo, trắng trẻo, nữ tính… Kiều Trinh từng lọt “mắt xanh” của nhiều chàng trai. Nhưng rồi chẳng ai lại yêu một cầu thủ bóng đá nữ quanh năm suốt tháng hết tập luyện rồi lại thi đấu. Thời gian vùn vụt trôi, giờ Kiều Trinh đã ngoài 30 tuổi. Nhiều lúc Trinh đùa rằng nếu có con, có lẽ đã học lớp 1 như những bạn cùng trang lứa. Lúc đó ai cũng thấy Trinh cười, nhưng ánh mắt lại đượm buồn.

 

 

“Bạn bè cùng trang lứa giờ có gia đình, con cái đủ cả. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm, nhưng biết sao được vì đã theo nghiệp, không thể dừng lại được”, Kiều Trinh tâm sự.

Ở tuổi 32, Trinh thuộc vào hàng “lão tướng” bóng đá nữ nhưng vẫn rất đam mê với trái bóng, với những buổi tập và thi đấu. “Hiện Trinh chỉ biết thi đấu hết sức mình, cống hiến cho CLB và ĐTQG thôi. Trinh cũng đã nhiều tuổi, tuy chưa phải trải qua cuộc phẫu thuật nào nhưng 2 đầu gối thường xuyên bị chấn thương, các dây chằng bị giãn, những lúc trời lạnh bị buốt lắm. Mình cứ tiếp tục tập luyện và thi đấu cho đến lúc nào không bay nhảy trong khung thành được nữa, mới giải nghệ”, Trinh tâm sự.

Đã là con gái, thì ai chẳng thích làm đẹp, được yêu thương. Thế nhưng đã xác định theo nghiệp bóng đá, những cô gái như Kiều Trinh sẽ phải bỏ lại tất cả những mơ ước rất đỗi bình thường. Với không ít cầu thủ nữ, theo nghiệp bóng đá cũng là một cách để chính bản thân mình tồn tại, trước khi nghĩ đến chuyện gửi tiền về phụ giúp gia đình.

 

 

Phận nữ nhi đá bóng

Bóng đá nữ mang rất nhiều thành tích  về cho Tổ quốc, nhưng những gì mà các cô gái nhận được chẳng đáng là bao. Hầu hết cầu thủ nữ đều xuất thân từ nông thôn nghèo khó, nên với họ những phần thưởng huy chương trên tuyển chẳng thấm vào đâu.

Ngay như Kiều Trinh, danh hiệu không thiếu, nhưng cô không giấu hoàn cảnh khó khăn của mình. Bố chạy xe ôm, còn mẹ ở nhà nội trợ, nên Trinh đi đá bóng với đồng lương ít ỏi, nhưng vẫn là trụ cột của gia đình. Với những khoản thưởng ở SEA Games, Trinh đã dồn hết để ba mẹ xây lại cái nhà và sắm sửa nhiều thứ. Còn tiền thưởng danh hiệu khác, một phần Trinh khao bạn bè, đồng đội, một phần mua các vật dụng cần thiết trong gia đình. Những “bông hồng” đá bóng vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm một cách đúng mức, so với các đồng nghiệp nam thì càng tủi. Trung bình ở mỗi CLB, sau khi trừ tất thảy tiền ăn, nghỉ phép… mỗi người được vài triệu đồng.

Chỉ cần một trận thắng ở giải giao hữu, đội tuyển bóng đá nam được VFF trao thưởng vài trăm triệu đồng. Thế nhưng với bóng đá nữ, năm nào không có SEA Games hay giải Vô địch Đông Nam Á, coi như tay trắng về quê.

Sau tất cả những gì đã làm được, Kiều Trinh và các đồng nghiệp của cô chỉ mong mọi người quan tâm đến bóng đá nữ hơn một chút. Cái “một chút” ấy, tưởng như chỉ rất nhỏ, nhưng là cả một giấc mơ lớn của các cô gái bao năm qua.

 

 

Thực hiện giấc mơ trước ngày giải nghệ

Khi tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 2017, nhiều người giật mình trước tin đồn thủ môn Kiều Trinh giải nghệ. Thực tế đã có sự nhầm lẫn, bởi thủ thành quê Đồng Tháp cho biết đây là kỳ SEA Games cuối trong sự nghiệp của mình, chứ chưa phải là thời điểm nói lời chia tay với đội tuyển quốc gia. Lý do người gác đền 32 tuổi vẫn đang ôm mộng giành vé dự World Cup.

Vòng chung kết giải Bóng đá nữ châu Á 2018 diễn ra tháng 4/2018 tại Jordan. Tại giải đấu này, 8 đội chia thành 2 bảng đấu, 2 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ vào bán kết và có vé tham dự World Cup nữ 2019 tại Pháp. Đội tuyển nữ rơi vào bảng đấu “tử thần”, nhưng trong bóng đá không thể nói trước được điều gì. Với tâm thế của nhà vô địch SEA Games, Kiều Trinh và các đồng đội quyết tâm thực hiện được giấc mơ có vé dự World Cup (năm 2015 đội tuyển nữ Việt Nam từng mất vé dự World Cup vào tay Thái Lan).

“Sau SEA Games, chúng tôi muốn bắt đầu cho kế hoạch hiện thực hóa giấc mơ World Cup của bóng đá nữ Việt Nam. Chỉ cần có niềm tin, thầy trò chúng tôi sẽ làm được. Quan trọng là có niềm tin vào bản thân và chúng tôi hứa sẽ luôn chơi hết mình, cống hiến hết mình để mang vinh quang về cho bóng đá nữ Việt Nam”, Kiều Trinh tâm sự.

Chiến đấu cho một lần sau cuối. Hy vọng sau gần 20 năm vui buồn cùng trái bóng, Kiều Trinh sẽ thực hiện được giấc mơ dự World Cup để sau này giải nghệ cũng chẳng có gì phải hối tiếc.

DIỆP DIỆP

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh