THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:32

Thu hút học sinh, sinh viên bằng nhiều mô hình đào tạo mới

Hiệu trưởng Nguyễn Đức Lưu
Hiệu trưởng Nguyễn Đức Lưu

Giáo dục toàn diện bằng mô hình 24/7 

Theo ông Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Ninh, để thu hút được được học sinh, sinh viên (HSSV), phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình vào học thì Trường phải có mô hình đào tạo thích hợp để đảm bảo chất lượng đào tạo và giải được bài toán công việc, thu nhập sau khi HSSV tốt nghiệp ra trường. Do vậy, ngoài việc chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề, nhà trường đã và đang thực hiện những giải pháp tổng thể giáo dục toàn diện.  

Theo đó, nhà trường đã xây dựng mô hình 24/7 -  mô hình quản lý giáo dục khép kín trong tuần bằng các hoạt động ngoại khóa. Với mô hình này, ngoài thời gian học tập, rèn luyện kỹ năng tại trường, trong thời gian học chính khóa, các học HSSV được tham gia nhiều khóa học ngoại khóa như kỹ năng mềm, hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động của Hội Sinh viên, đoàn thanh niên… nhằm phát triển trí lực toàn diện.Trường đã thuê khu riêng biệt tại Làng sinh viên tỉnh Bắc Ninh để tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo mô hình 24/7.

Mô hình đào tạo “kép” – kết hợp với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Lưu chỉ ra một thực tế: “Hiện nay các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại khi tiếp nhận HSSV tốt nghiệp các trường nghề vì khả năng thực hành công việc yếu”. Khắc phục điều đó, Trường đã tập trung vào xây dựng mô hình đào tạo kép: Đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Học ở trường, thực hành tại doanh nghiệp: Tất cả các lý thuyết và kỹ năng cơ bản đều được đào tạo tại trường còn ứng dụng vận hành tại doanh nghiệp.

Ở doanh nghiệp HSSV được giao các công việc từ đơn giản đến phức tạp tương ứng với thời gian học nghề và được giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ, HSSV phải học việc như một công nhân thực thụ. Qua đó, dễ dàng giải quyết được việc làm và thu nhập tốt cho HSSV sau khi tốt nghiệp.

 Để củng cố niềm tin cho HSSV, nhà trường tổ chức ký cam kết giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp với Khu công nghiệp VSIP (Việt Nam - Singapore) và Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Đây là lý do quan trọng khiến HSSV yên tâm học tập rèn luyện kỹ năng nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp tại trường.

Thực hành nghề điện công nghiệp

Thực hành nghề điện công nghiệp 

Ông Vũ Quang Khuê, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực qua đào tạo tại trường, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, Trường cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Ninh đang phát triển và đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ Quốc gia và cấp độ ASEAN.

Để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, Trường cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Ninh là 1 trong 4 trường trong cả nước đang được thụ hưởng dự án PVT 2008 từ chính phủ CHLB Đức tài trợ với tổng mức đầu từ về trang thiết bị là 1,8 triệu EURO, vốn xây dựng nhà xưởng gần 24 tỷ đồng, sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2015.

Đây là mô hình của một nhà máy thu nhỏ giúp cho hoạt động thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề của HSSV giống như làm việc tại doanh nghiệp, kết quả sau thực hành là những sản phẩm hữu ích, có giá trị trong thực tế. Điều quan trọng nhất là HSSV “sống khoẻ” với với ngành nghề được đào tạo sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tiến Luyến

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh