THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 09:29

Thu hút đầu tư nước ngoài song hành với phát triển bền vững

Theo anh Hoàng Tiến Đạt, bây giờ là thời điểm thích hợp để Việt Nam tái đánh giá và củng cố lại các Hiệp định đầu tư quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bởi vì chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy nền kinh tế cất cánh. Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, như ban hành, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, đồng thời đàm phán, ký kết nhiều hiệp định đầu tư quốc tế song phương và đa phương để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những “trái ngọt”, hoạt động này cũng phát sinh không ít vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là ô nhiễm môi trường sống, trách nhiệm xã hội...

Đã có những sự cố môi trường ở Việt Nam xuất phát từ các doanh nghiệp trong hay nhà đầu tư nước ngoài. Sự cố phát sinh chủ yếu là do xung đột lợi ích giữa hai yếu tố: khuyến khích, bảo vệ nhà đầu tư và các khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và  đảm bảo thực thi các chính sách, yêu cầu về y tế công cộng, bảo vệ môi trường...

Làm thế nào để cân bằng hai yêu cầu trên? Nghiên cứu quốc tế về lĩnh vực này và xuất phù hợp với bối cảnh Việt Nam, đó là lý do Hoàng Tiến Đạt tiếp tục học lên bậc học tiến sĩ với mong muốn đóng góp sức mình cho phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hiện tại, anh Đạt đang là nghiên cứu sinh ngành Luật, đồng thời là trợ lý nghiên cứu kiêm trợ giảng tại Khoa Luật, Đại học Monash (Australia). Anh tham gia thực hiện Dự án nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia (Australia): “Bảo vệ y tế công cộng trong các hiệp định đầu tư quốc tế”. Nghiên cứu này giúp anh soi chiếu và tìm những giải pháp phát triển bền vững, đưa ra những đề xuất phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Anh Hoàng Tiến Đạt hiện là nghiên cứu Tiến sĩ (Luật) tại Đại học Monash với học bổng toàn phần MGS và MITS.

Anh Hoàng Tiến Đạt hiện là nghiên cứu Tiến sĩ (Luật) tại Đại học Monash với học bổng toàn phần MGS và MITS.

Tốt nghiệp Thủ khoa Xuất sắc tại Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2012 cùng với tấm bằng cử nhân Anh Văn loại giỏi của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2013, anh Đạt được “tuyển thẳng” vào Bộ Tư pháp theo chính sách thu hút của Nhà nước. Trong quá trình công tác tại Bộ Tư pháp, anh luôn chủ động tìm kiếm các nguồn học bổng để có thể trau dồi, phát triển bản thân cũng như phát huy nặng lực nghiên cứu.

“Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy học bổng của Chính phủ Australia phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của bản thân. Australia là quốc gia cởi mở và thân thiện với người nước ngoài. Đặc biệt, một số trường đại học tại đây có bề dày truyền thống và thế mạnh về đào tạo pháp luật nói chung và pháp luật quốc tế nói riêng. Vì những lý do đó, tôi quyết định nộp đơn ứng tuyển và giành được Học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để chính thức bắt đầu học tập bậc Thạc sĩ Luật tại Khoa Luật thuộc Đại học Melbourne từ năm 2016”, anh Đạt chia sẻ.

Quá trình học tập tại Australia không chỉ cho anh kiến thức chuyên môn, cách làm việc khoa học, phương pháp nghiên cứu cẩn trọng và khách quan mà còn cung cấp những so sánh về các vấn đề pháp lý giữa nền kinh tế phát triển của Australia và đang phát triển của Việt Nam, về trách nhiệm xã hội của các nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia sở tại. Đây là bước đệm và “chất liệu” quan trọng cho đề tài nghiên cứu “Y tế công cộng, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong các Hiệp định đầu tư quốc tế: Thời điểm thích hợp để đánh giá lại và củng cố”.

Để thực hiện nghiên cứu này, anh Đạt đã rà soát tổng cộng 94 hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết bằng hệ thống cơ sở dữ liệu và đánh giá chuyên sâu. Theo đó, anh nhấn mạnh tỷ lệ quy định về bảo vệ môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu trong các hiệp định đầu tư quốc tế tại Việt Nam rất thấp. Điều này vô hình trung đã “trao cho nhà đầu tư nhiều quyền nhưng không quy định đủ nghĩa vụ về bảo vệ môi trường và phát triền bền vững để buộc họ tuân thủ”.

Anh cho biết: “Hầu hết hiệp định đầu tư quốc tế cho phép nhà đầu tư nước ngoài quyền khởi kiện Chính phủ ra Tòa án Trọng tài Quốc tế. Điều này thường xảy ra khi nhà đầu tư nước ngoài cho rằng các chính sách mới làm phương hại hay ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của họ. Các tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài gây ra nhiều hệ lụy, tiêu biểu là sự “e dè” trong việc ban hành các chính sách mới, do lo ngại việc đó sẽ làm phát sinh nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện”.

Anh Hoàng Tiến Đạt trình bày một số nghiên cứu tại Diễn đàn cựu sinh Australia được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Anh Hoàng Tiến Đạt trình bày một số nghiên cứu tại Diễn đàn cựu sinh Australia được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Khẳng định đây là thách thức chung của nhiều quốc gia, anh Đạt cho rằng, Việt Nam và Australia hoàn toàn có thể hợp tác trong việc hoạch định chính sách đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, anh cũng kiến nghị một số giải pháp bước đầu từ thực tiễn nghiên cứu: Rà soát các hiệp định cũ vì phần lớn không có các điều khoản về bảo vệ môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu; Bổ sung các điều khoản phù hợp bối cảnh Việt Nam vào những hiệp định dự kiến ký kết; Đảm bảo các hiệp định đầu tư quốc tế phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường và những cam kết quốc tế của Việt Nam, bao gồm các mục tiêu và cam kết trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc và Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu..

“Trong những năm qua, mạng lưới cựu sinh đã được Chính phủ, Đại sứ quán Australia và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Australia - Việt Nam (Aus4Skills) hỗ trợ rất nhiều. Đặc biệt, thông qua Aus4Skills, những cựu sinh Australia như tôi có thể kết nối lại thành các hội nhóm để trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau. Năm 2023 là dịp đặc biệt, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Australia. Tôi hy vọng các thế hệ cựu sinh Australia sẽ có thể cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa cho bản thân và cho cộng đồng, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia”, anh Đạt chia sẻ.

Aus4Skills là Chương trình hợp tác kéo dài 10 năm giữa Việt Nam và Australia, trị giá 86,4 triệu đô la Australia, nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, nắm bắt các cơ hội kinh tế, đạt được sự phát triển lâu dài và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Thông qua Aus4Skills, Australia giúp cựu sinh viên Việt Nam thực hiện các dự án đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước với tài trợ từ Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia (AAGF), lên đến 325 triệu đồng cho mỗi dự án.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh