Thu hồi sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp do nhiễm khuẩn E.Coli
- Sức khỏe
- 21:18 - 17/03/2019
Phô mai VALENCAY bị thu hồi do nhiễm khuẩn E.Coli.
Báo An ninh thủ đô cho biết: Cơ quan quản lý của Pháp đã yêu cầu thu hồi các sản phẩm bị ảnh hưởng. Dựa trên thông báo này, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan kiểm tra Nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định thông báo tới cá nhân/doanh nghiệp thu hồi sản phẩm phô mai có tên thương mại là HARDY AFFINEUR, số lô nhập khẩu từ 10-13 đến 10-33, nhập khẩu từ Pháp trong trường hợp cá nhân/doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước tại cơ quan.
Thời hạn sử dụng của sản phẩm là tốt nhất trước ngày 1/3 đến 26/3-2019. Tên sản phẩm bị thu hồi nhập khẩu về Việt Nam là VALENCAY AOC AFFINE HARDY.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với từng lô hàng sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp với tên thương mại là HARDY AFFINEUR (hoặc tên nhập khẩu về Việt Nam là VALENCAY AOC AFFINE HARDY) kể từ ngày theo thông báo tại công văn số 1609/BCT-KHCN ngày 12/ 3/2019 đến khi có thông báo ngừng của Bộ Công Thương.
Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa trên thị trường nếu phát hiện ra sản phẩm nêu trên được lưu thông trên thị trường thì kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định.
Khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng sản phẩm có tên nêu trên và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.
Trước đó, đầu tháng 3/2019, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo về sản phẩm này.
Sản phẩm này có tên Valencay Aoc Affine Hardy, trọng lượng 220 gram, gồm 6 miếng/gói. Đây là sản phẩm phô mai từ sữa dê.
Liên quan đến việc thu hồi sản phẩm trên, trên báo Sức khỏe và đời sống thông tin: Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) là một loài thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại vi khuẩn E.coli chỉ gây tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, tuy nhiên có một vài loại đặc biệt, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli O157: H7, có thể gây nhiễm trùng nặng đường ruột dẫn đến bệnh cảnh nặng hơn với tiêu chảy, đau bụng và sốt.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, vừa nhận được thông tin cảnh báo từ Singapore về 2 sản phẩm bán trực tuyến chứa lượng lớn tadalafil. Sử dụng hàm lượng cao tadalafil rất nguy hiểm, có thể tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, mất thị giác và thính giác.
Tác hại của vi khuẩn E.Coli
Nhóm bệnh do E.Coli gây tiêu chảy xuất huyết đường ruột (EHEC) đã được biết từ năm 1982 khi có các vụ dịch viêm ruột xuất huyết xảy ra ở Mỹ do một típ huyết thanh O157:H7 gây ra mà trước đây chưa hề được xác định là căn nguyên gây bệnh đường tiêu hóa. Một số chủngE.Coli trong nhóm EHEC, trong đó có E.Coli O157:H7 có khả năng tiết ra độc tố Shiga được xếp vào nhóm các vi khuẩn E.Coli sản xuất độc tố Shiga (STEC).
E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa: ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt khuẩn; rau, quả... (do nhiễm phân của gia súc, người mang mầm bệnh) hoặc do tiếp xúc trực tiếp với súc vật và môi trường nuôi súc vật bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng chủ yếu qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh. E.Coli còn lây truyền qua đường nước: do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí, sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần. Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già). Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn đã có khả năng gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất và dễ tiến triển tới hội chứng tan huyết suy thận cấp (HUS). Người già cũng có nguy cơ biến chứng cao. |