Thu hồi không gian biển cho cộng đồng: Dễ nói, khó làm
- Văn hóa - Giải trí
- 01:41 - 30/03/2021
Trong một thời gian dài, hàng loạt bãi biển đẹp "bỗng dưng" rơi vào tay nhiều chủ doanh nghiệp, trở thành những khu resort, khách sạn, khu dịch vụ có thu tiền. Người dân muốn xuống tắm biển, muốn có một vị trí đẹp để ngắm cảnh đều phải trả tiền. Không chỉ ở các thành phố biển như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu... mà bãi biển ở nhiều vùng quê cũng lần lượt bị nhiều chủ đầu tư tư nhân thâu tóm. Biển Kê Gà ở tỉnh Bình Thuận là ví dụ điển hình.
Vùng bãi biển Nam Trung bộ và Đông Nam bộ được coi là "thủ phủ du lịch" cũng là nơi mà nhiều bãi biển bị tư nhân thâu tóm hơn cả.
Gần đây, một số địa phương "hạ quyết tâm" trả lại bãi biển cho cộng đồng. Bình Định là một trong những tỉnh đi đầu, khi từ năm 2020 đã đưa ra chủ trương và cả những bước đi khá quyết liệt để di dời 3 khách sạn đã "tọa lạc" bên bờ biển từ nhiều năm trước. Thế nhưng cho đến giờ, mọi chuyện vẫn chưa tiến triển bao nhiêu. "Toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là để cho dân được hưởng lợi, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được. Tuy nhiên, việc di dời, giải tỏa các khách sạn ven biển cần phải có lộ trình phù hợp, đúng quy định chứ không thể sáng nói, chiều dời làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn", ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết.
Tương tự, những công trình đã tồn tại lâu nay trên các bãi biển ở Nha Trang, Vũng Tàu hiện vẫn chưa thể di dời. Mặc dù vậy, lãnh đạo chính quyền các địa phương này cho biết, vẫn kiên định với quan điểm "phải trả bãi biển cho cộng đồng". Vì thế, mặc dù các công trình vẫn hiện hữu nhưng người dân vẫn có quyền sử dụng bãi biển mà không phải tốn tiền.
Việc "cát cứ" bãi biển đang diễn ra khá phổ biến ở các vùng du lịch tiềm năng - không phải là những vùng thuộc các thành phố lớn nhưng là những nơi đang mọc lên các dự án du lịch với nhiều quy mô khác nhau. Dọc bãi biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hàng chục dự án du lịch biển của nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư "máu mặt". Thực tế cho thấy, rất nhiều công trình đang được xây dựng ở vùng sát bãi biển. Cùng với đó, các vùng đất ven biển cũng đang được nhiều cá nhân mua lại của người dân để đầu cơ. Vì vậy, nếu không sớm có sự kiểm soát và điều chỉnh quy hoạch kịp thời thì trong tương lai không xa, các vùng bãi biển dài hằng trăm km này cũng sẽ trở thành "tài sản riêng" của một số cá nhân, doanh nghiệp - giống như các bãi biển ở những thành phố biển nói trên. Và chính quyền cũng sẽ phải tốn nhiều công, của để "thu hồi" bãi biển về cho cộng đồng đầy khó khăn.
Rõ ràng, việc di dời các công trình để "trả bãi biển cho cộng đồng" là điều cần phải làm nhưng xem ra đó là việc "nói dễ, làm khó"...