TS Nguyễn Minh Phong: Thu học phí bằng Bitcoin là hiện tượng PR của FPT
- Huyệt vị
- 13:00 - 29/10/2017
Tối ngày 26/10, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch trường ĐH FPT đã công khai trên mạng xã hội về chủ trương trường sẽ cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt sẽ áp dụng cho sinh viên nước ngoài. Nói về lý do đưa ra quyết định này, ông Lê Trường Tùng cho biết: "Sinh viên châu Phi rất khó chuyển ngoại tệ ra nước ngoài". Trong khi đó Bitcoin lại là đồng tiền có thể "vượt biên dễ dàng".
Đánh giá về mức độ rủi ro của việc thu học phí bằng Bitcoin, khi giá của đồng tiền số này lên xuống thất thường dẫn tới Trường ĐH FPT có thể bị "thâm hụt" học phí khi giá Bitcoin giảm mạnh, ông Tùng cho biết hiện SV ngoại quốc của trường vẫn nộp học phí bằng ngoại tệ. Như vậy, xét về mức độ rủi ro tỷ giá thì có thể thấy ngoại tệ và bitcoin là như nhau.
Theo ông Tùng, Bitcoin là một sản phẩm công nghệ và nhà trường muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của công nghiệp 4.0. "Là một trường ĐH đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0" - ông Tùng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
Trao đổi với báo Dân sinh về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cho rằng, trường FPT dự định cho sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin là vi phạm pháp luật. FPT là trường Đại học công nghệ nên thích dùng việc thanh toán này như là hiện tượng để làm truyền thông. Nếu như trước đây trường Đại học FPT chưa được nhiều người biết đến thì sau sự kiện này nhiều người sẽ biết hơn.
TS Nguyễn Minh Phong cho biết thêm, Việt Nam không bao giờ công nhận Bitcoin là tiền. Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định như sau: "Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Khoản 6, Điều 6 về "Các hành vi bị cấm", Nghị định số 101/2012/NĐ-CP cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là "sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. Như vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ ngày 1/1/2018: Hành vi phát hành, cung ứng Bitcoin có thể bị truy cứu hình sự Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Cụ thể, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự. Theo đó, Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán như sau: “Khoản 6: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN; Khoản 7: "Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này”. Cùng với đó, Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. Như vậy, theo các quy định của pháp luật đã dẫn, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán bị cấm tại Việt Nam. Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). |